Kinh tế số - động lực mới phát triển nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong thập kỷ tới, kinh tế số được xem là động lực, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh đánh giá này tại Diễn đàn Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: “Từ thích ứng tới quản trị bất định” diễn ra ngày 10/11/2020.

Chế biến, chế tạo là nhóm ngành luôn có năng suất lao động cao hơn các nhóm ngành khác nhờ tác động của công nghệ số. Ảnh: Lê Tiên
Chế biến, chế tạo là nhóm ngành luôn có năng suất lao động cao hơn các nhóm ngành khác nhờ tác động của công nghệ số. Ảnh: Lê Tiên

Lạc quan về tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp thuộc CIEM cho biết, dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm những vấn đề của kinh tế thế giới; gián đoạn các hoạt động kinh tế và gây suy giảm/suy thoái ở bình diện toàn cầu; các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng. Nhiều nước phải nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng và ít lưu tâm tới các cải cách căn bản khác. “Covid-19 cũng buộc thế giới phải nghiêm túc hơn với các vấn đề phát triển dài hạn, trong đó có thúc đẩy chuyển đổi số”, ông Dương cho biết.

Ông Dương đánh giá, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã biết tận dụng cơ hội từ kinh tế số để thúc đẩy bán hàng, xuất khẩu trực tuyến… Nhờ đó, trong 10 tháng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, xuất siêu gần 19 tỷ USD.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2020 và năm 2021, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam khá lạc quan. Theo ông Bình, Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố gần đây dự báo, GDP Việt Nam tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021.

“Với mức tăng trưởng này, Việt Nam được dự báo trong năm 2021 sẽ có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm đầu trên thế giới, tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương”, ông Bình nhận định.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, năng lực phía cầu của Việt Nam được phục hồi, duy trì và tiếp tục nâng cao với gần 111,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó còn có 37,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động. Vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tích cực.

Tận dụng kinh tế số để cải thiện năng suất

Nhìn về thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số (KTS) phát triển mạnh mẽ, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân lo lắng, NSLĐ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Tác động của công nghệ số đến NSLĐ của ngành nông, lâm, thủy sản là thấp nhất trong các ngành kinh tế, phản ánh vai trò của KTS trong ngành này còn rất hạn chế. Ngành chế biến, chế tạo được xem là nhóm ngành luôn có NSLĐ cao hơn các nhóm ngành khác, nhưng cũng còn thấp.

Về tác động của KTS đến NSLĐ của các khu vực sản xuất, theo ông Đạt, KTS có ý nghĩa và tác động tích cực đối với NSLĐ của các DN FDI, trong khi tác động đối với khu vực kinh tế trong nước còn chưa cao, trong đó có khu vực kinh tế nhà nước.

Dự báo tác động của KTS đến NSLĐ đến năm 2030, ông Đạt nhận định, KTS sẽ đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ của DN và nền kinh tế.

“Việt Nam cần có bản chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất…”, ông Đạt khuyến nghị.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, để tận dụng tốt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), thể chế thúc đẩy phát triển KTS đang tiếp tục được hoàn thiện. Theo bà Minh, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Đến thời điểm này, Dự thảo Chiến lược CMCN 4.0 đã được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ. Bà Minh kỳ vọng Chiến lược sẽ được ban hành sớm nhằm tạo nền tảng thể chế thúc đẩy phát triển KTS trong tương lai. Dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2015, định hướng đến năm 2030 đang được xây dựng xác định KTS là động lực, là nền tảng tạo bước đột phá phát triển kinh tế giai đoạn sắp tới. “Cơ sở pháp lý về KTS ngày càng hoàn thiện sẽ là nền tảng vững chắc để DN Việt Nam tăng sức chống chịu trước các rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Minh nhấn mạnh.

Chuyên đề