Cú hích thúc đẩy kinh tế số hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 giúp kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ cho các tập đoàn công nghệ. Nếu Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển đổi số cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác thì nền kinh tế chắc chắn vượt qua khó khăn và tăng trưởng như kỳ vọng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay tại Quốc hội sáng ngày 15/6, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực lớn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình cho phát triển.

Theo bà Hà, chưa có cuộc khủng hoảng nào trong vòng 100 năm qua gây ra thiệt hại lớn cả về y tế và kinh tế như đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm đứt gãy, phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng logistics mà thế giới phải mất rất nhiều thời gian mới xây dựng được trong không gian hội nhập. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) nhanh chóng thích ứng bằng việc đẩy mạnh tham gia vào nền kinh tế số.   

“Có thể thấy, cú hích từ đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực lớn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình cho phát triển, nhất là chuyển đổi số đặt ra cả thời cơ và thách thức cho các nước phát triển”, đại biểu Hà nhìn nhận.

Bà Hà cho rằng, Việt Nam cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển nếu chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công nhờ biết tranh thủ lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời kỳ bùng nổ kinh tế số hậu Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra thách thức lớn, làm trầm trọng thêm quá trình gia tăng khoảng cách phát triển khiến chúng ta mất đi cơ hội cạnh tranh lao động giá rẻ…

Theo đó, để nắm bắt, tận dụng lợi thế từ quá trình này, đại biểu Hà đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Các chính sách xuyên suốt nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch diện tử…

Chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và thế giới để kinh tế số. Trong đó, chúng ta có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới; chú trọng chính sách tiếp cận dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm thanh toán điện tử cho khách hàng là DN trong và ngoài nước.

Phát triển dịch vụ hạ tầng thiết yếu, bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại…

Các DN cần tích hợp công nghệ số hóa thúc đẩy các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ phù hợp mô hình kinh doanh…

Trước đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng, ở Việt Nam, nền tảng số cũng đang trở thành một trong những thành phần chính đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ cho những hình thái kinh tế - xã hội mới. Công nghệ nước ta đang chuyển dịch sang nền công nghệ số, nền tảng online nhưng lại chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ. Nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời nhưng vẫn áp dụng phương pháp quản lý hành chính cũ, lạc hậu và không phù hợp.

Đặc biệt, theo đại biểu Hạ, trong kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19 mà Chính phủ đưa ra chưa chú trọng đúng mức với vấn đề này. “Nếu không kịp thời nắm bắt và tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ lại tụt hậu”, đại biểu Hạ cảnh báo và đề nghị Đảng và Quốc hội khẩn trương ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với nền tảng công nghệ số.

Chuyên đề