Nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn cả những năm trước trước đại dịch. Thời gian tới, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một số diễn biến mới so với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện những mục tiêu đặt ra, đòi hỏi những đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát tăng cao khi nhu cầu trong nước phục hồi, cộng với sự gia tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc. Ảnh: Nhã Chi
Áp lực lạm phát tăng cao khi nhu cầu trong nước phục hồi, cộng với sự gia tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều thách thức mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế tiếp tục phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc, tạo đà cho tăng trưởng quý II và cả năm. Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017 - 2022). Trong tháng 4, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt con số kỷ lục hơn 15 nghìn. Tính chung 4 tháng, có 49.591 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất từ trước đến nay. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD cũng là mức cao nhất từ năm 2018 đến nay...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận định, thời gian tới, nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Nguy cơ xuất hiện những biến thể Covid-19 mới vẫn hiện hữu, xung đột địa chính trị đang có ảnh hưởng tiêu cực và chặn đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô. Khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo và 7 tổ công tác để quyết liệt thúc đẩy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công; yêu cầu triển khai nhanh, đúng, đủ các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với trước đó.

Giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất từ Trung Quốc; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Áp lực lạm phát tăng cao trong năm khi nhu cầu trong nước phục hồi, thực hiện lộ trình tăng lương từ ngày 1/7, cộng hưởng với sự gia tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, các yếu tố đe dọa bất ổn kinh tế vĩ mô trở nên rõ nét hơn, nếu không có thay đổi mạnh mẽ thì mục tiêu tăng trưởng là rất khó đạt được.

Còn theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, rất khó để giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%, do nhiều áp lực mới. Trong đó, việc Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát và nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam. Ông Cường cũng lưu ý sự lệch pha trong chính sách tiền tệ khi nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang thắt chặt hoặc thu hẹp cung tiền, nâng lãi suất, trong khi Việt Nam vẫn đang nghiên cứu nới lỏng tiền tệ, có thể gia tăng sức ép lên lạm phát.

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách

Theo ông Nguyễn Đình Cung, ngoài phục hồi tăng trưởng, Chính phủ phải lưu ý nhiều hơn đến ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải thắt chặt với liều lượng nhất định. Bối cảnh nhiều khó khăn thách thức hơn đòi hỏi những cải cách chính sách và nỗ lực thực thi tốt hơn so với đầu năm. Trong trung hạn, động lực cho tăng trưởng tiềm năng nhất là từ cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước để bù đắp thiếu hụt của khu vực khác. Ngoài ra, còn dư địa rất lớn từ cải cách mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh, phân bổ hợp lý nguồn lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Cho rằng tổng cầu tăng tương đối chậm, ông Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh giải pháp đẩy tổng cầu lên trong ngắn hạn, nếu không sẽ khó phục hồi nhanh như các nước khác. Đầu tư công là thành phần quan trọng của tổng cầu, trước mắt cần thêm nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc phải theo dõi sát diễn biến kinh tế, địa chính trị thế giới để chủ động dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành lạm phát, giá cả, các cân đối lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho răng, quan trọng nhất vẫn là thực thi kịp thời, hiệu quả chính sách.

Chuyên đề