Nhân sự chủ chốt có bao gồm lao động phổ thông?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại hồ sơ mời thầu (HSMT), yêu cầu về nhân sự chủ chốt là một trong các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Pháp luật về đấu thầu quy định, căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật chuyên ngành mà bên mời thầu đưa ra các yêu cầu về nhân sự chủ chốt cho phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng quy định này tại không ít gói thầu phát sinh nhiều bất cập.
Hồ sơ mời thầu một số gói thầu quy định công nhân, lao động phổ thông là một trong những vị trí nhân sự chủ chốt nhằm đánh giá năng lực nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Hồ sơ mời thầu một số gói thầu quy định công nhân, lao động phổ thông là một trong những vị trí nhân sự chủ chốt nhằm đánh giá năng lực nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Thời gian gần đây, thông qua phản ánh từ các nhà thầu, Báo Đấu thầu ghi nhận tình trạng tại một số gói thầu, HSMT quy định các nhân sự như công nhân, lao động phổ thông là một trong những vị trí nhân sự chủ chốt nhằm đánh giá năng lực nhà thầu. Nhiều nhà thầu có ý kiến, việc HSMT bao hàm tiêu chí như trên là không có cơ sở, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Đơn cử, tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với Gói thầu Xây lắp + thiết bị thuộc Dự án Trường Tiểu học Khai Quang, TP. Vĩnh Yên (giá dự toán 38,859 tỷ đồng). Tại gói thầu này, trong số các nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải kê khai vị trí công nhân kỹ thuật trực tiếp thi công xây dựng công trình (số lượng: 25 người), có chứng chỉ đào tạo phù hợp với các công việc của Gói thầu và phù hợp với đề xuất của nhà thầu; đã được đào tạo và được cấp chứng nhận về an toàn lao động.

Đầu tháng 5/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ phát hành HSMT Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông từ Trường Tiểu học Tu Vũ kết nối Đường tỉnh 317 (giá dự toán 10,822 tỷ đồng). Trong số các nhân sự chủ chốt thực hiện Gói thầu, HSMT yêu cầu kê khai 15 công nhân (bao gồm thợ lái máy ủi, thợ lái máy lu, thợ lái ô tô bằng C trở lên, thợ nề, thợ thép, thợ hàn...).

Trước đó, Gói thầu số 01 Mua sắm đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư (giá gói thầu hơn 6,351 tỷ đồng) yêu cầu đến 45 nhân sự chủ chốt (công nhân).

Mở rộng khảo sát cho thấy, tại nhiều gói thầu tư vấn hoặc dịch vụ phi tư vấn, HSMT cũng xuất hiện những tiêu chí mời thầu “có vấn đề” tương tự các gói thầu nêu trên.

Theo các nhà thầu, nhân sự chủ chốt bao gồm các vị trí như chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm kỹ thuật thi công, chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, giám sát kỹ thuật, giám sát chất lượng, các kỹ sư chuyên ngành... Công nhân, lao động phổ thông không được xem là nhân sự chủ chốt quy định tại HSMT. Việc HSMT đưa ra các yêu cầu cụ thể về số lượng cũng như năng lực và kinh nghiệm đối với các vị trí nhân sự này là không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành, có thể dẫn tới hạn chế cạnh tranh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, các mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật chuyên ngành mà bên mời thầu đưa ra các yêu cầu về nhân sự chủ chốt cho phù hợp, trong đó không đề cập vị trí công nhân, lao động phổ thông là nhân sự chủ chốt được quy định tại HSMT. Theo chuyên gia này, trách nhiệm huy động công nhân, lao động phổ thông với số lượng, kinh nghiệm, bằng cấp sao cho phù hợp để thực hiện gói thầu thuộc về nhà thầu, trên cơ sở biện pháp kỹ thuật thi công mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu.

“Đây không phải tiêu chí được quy định tại HSMT nhằm đánh giá năng lực nhà thầu. Trường hợp HSMT đưa ra quy định về số lượng công nhân, lao động phổ thông mà nhà thầu phải huy động để thực hiện gói thầu có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu”, vị chuyên gia trên khẳng định.

Chuyên đề