Nhận diện rủi ro tài khóa tại dự án PPP

(BĐT) - Quản lý tốt rủi ro tài khóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo đảm tính bền vững của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 
Quản lý rủi ro tài khóa có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm tính bền vững của dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Quản lý rủi ro tài khóa có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm tính bền vững của dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Làm thế nào để nhận diện và quản lý rủi ro tài khóa trong dự án PPP tại Việt Nam là vấn đề nóng bỏng, được các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn luận tại Hội thảo về quản lý rủi ro tài khóa đối với các dự án PPP diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Rủi ro tài khóa đến từ đâu?

Ông James A. Brumby, Giám đốc Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, quản lý rủi ro tài khóa được rất nhiều quốc gia chú trọng, bởi rủi ro tài khóa đe dọa đến tính ổn định và bền vững của dự án PPP. Chính vì thế, nó là một phần không thể thiếu trong quản lý, và chính sách tài khóa tốt có ý nghĩa sống còn với mỗi dự án PPP.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), quản lý rủi ro tài khóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn. Ông Tuấn cho rằng, ở Việt Nam, có 4 yếu tố sẽ ảnh hưởng, chi phối tới các rủi ro tài khóa đối với dự án PPP.

Thứ nhất là rủi ro về kinh tế vĩ mô. Các cú sốc kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến vị thế tài khóa của Chính phủ trên 3 phương diện: thu ngân sách nhà nước (NSNN), chi NSNN và chi phí vay nợ bù đắp bội chi. Thực tế cho thấy, trong một số giai đoạn lãi suất tăng cao đã làm tăng chi phí vay dự án PPP và chi phí thực hiện nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Thị trường chứng khoán biến động cũng ảnh hưởng khả năng huy động để bù đắp bội chi NSNN. Bên cạnh đó, tính bền vững của cơ cấu thu NSNN cũng đang đối mặt với một số thách thức, còn dựa vào các khoản thu từ vốn, thu không tái tạo, nợ công tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng đề ra, bội chi NSNN cao, kéo dài và một số năm vượt số kế hoạch đề ra… cũng ảnh hưởng tới các yếu tố rủi ro tài khóa.

Thứ hai, rủi ro từ nghĩa vụ nợ trực tiếp và nợ dự phòng gồm: rủi ro đối với các khoản vay nợ của Chính phủ do biến động của tỷ giá, lãi suất; rủi ro từ hoạt động kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, từ khu vực ngân hàng…

Thứ ba là rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Việt Nam là 1 trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Thái Bình Dương đối với hạn hán, bão lụt. Tổn thất do thiên tai gây ra trung bình hàng năm bằng khoảng 0,8% GDP, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tổng giá trị kinh tế của tài sản chịu rủi ro thiên tai ở Việt Nam khoảng 1,3 nghìn tỷ USD.

Cuối cùng là rủi ro do chính sách. Theo ông Tuấn, một số chính sách ở Việt Nam không được ban hành theo dự kiến hoặc nhiều chính sách mới ban hành bổ sung làm giảm thu NSNN, trong đó có nhiều chính sách kỳ vọng được ban hành nhưng đến nay chưa được thực hiện như lộ trình chính sách mới về thuế, bổ sung ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa… 

Cần lượng hóa để quản lý hiệu quả

Các chuyên gia tại Hội thảo đều khẳng định, việc xác định chính xác và lượng hóa được các rủi ro tài khóa để có các biện pháp giảm nhẹ rủi ro, xử lý rủi ro trong bối cảnh hiện nay là khó khăn.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, việc thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP là thách thức bởi hiện nay vẫn còn thiếu các mẫu hợp đồng tiêu chuẩn bao gồm cơ chế chia sẻ rủi ro chi tiết. Các quy định của pháp luật hiện hành mới đề cập đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư PPP. Còn đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được thiết kế riêng cho các dự án đầu tư công hoặc dự án 100% vốn tư nhân, không phù hợp với các dự án PPP. Trong khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hiện không đủ năng lực, kinh nghiệm để đàm phán cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Việt Nam cũng thiếu công cụ (bảo hiểm, bảo lãnh…) cho các biện pháp giảm thiểu rủi ro trên thị trường.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, Việt Nam đã bước đầu hình thành được một khung pháp lý để quản lý các rủi ro tài khóa có liên quan như Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý tài sản công… Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu một khuôn khổ toàn diện về phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro tài khóa. Các rủi ro tài khóa đang được nhận diện, phân tích và quản lý một cách riêng rẽ trong khi chúng có tác động qua lại lẫn nhau; tính chủ động trong quản lý rủi ro của Việt Nam cũng chưa cao…

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia quốc tế, để không phải xử lý hậu quả khi rủi ro đã xảy ra thì Việt Nam cần phải lượng hóa để quản lý hiệu quả các rủi ro tài khóa, đồng thời phải nâng cao chất lượng về tính dự báo để có biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro. Khoản dự phòng ngân sách được trích lập trên cơ sở khả năng của ngân sách cần được xác định để phân tích, lượng hóa gắn với việc dự báo những rủi ro cụ thể…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư