Nhà thầu xây dựng kỳ vọng vào đầu tư công

(BĐT) - Đẩy mạnh đầu tư công các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn là chủ trương được các doanh nghiệp (DN) xây dựng kỳ vọng tạo thêm công ăn việc làm, giúp DN thoát khỏi những khó khăn chồng chất.
Nhiều nhà thầu xây dựng đã nắm bắt tình hình và có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội từ đẩy mạnh đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà thầu xây dựng đã nắm bắt tình hình và có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội từ đẩy mạnh đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội cho nhà thầu xây dựng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các DN trong ngành xây dựng vốn đã chật vật với sự đi xuống của thị trường bất động sản từ năm 2019, sang tới năm 2020, dịch Covid-19 ập đến khiến khó khăn chồng chất khó khăn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, các DN xây dựng đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trước tác động của đại dịch. “Du lịch ngưng hoạt động chưa biết bao giờ phục hồi, không ai đả động triển khai dự án bất động sản du lịch, một mảng rất lớn của xây dựng ngưng trệ. Mảng lớn nữa là bất động sản nhà ở, thời gian qua nhiều công ty khó khăn trong việc thu tiền khách hàng. Thu nhập giảm, thất nghiệp, giảm tích lũy, nhiều người sẽ khó khăn trong việc mua nhà. Khó khăn của thị trường bất động sản cũng là khó khăn của chúng tôi - những người làm xây dựng", ông Hải chia sẻ.

Khó khăn bủa vây, tuy nhiên theo ông Hải, việc thúc đẩy đầu tư công hay thúc đẩy quảng bá lợi thế của Việt Nam trong đầu tư công nghiệp, thu hút FDI sẽ là “cứu cánh" của ngành xây dựng thời gian tới.

“Việc thúc đẩy đầu tư công là cơ hội rất tốt, là chính sách phù hợp để hồi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, trong đó có ngành xây dựng. Khi kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều lao động bỏ ngành xây dựng vì vất vả quá, nhưng khi thất nghiệp, nhiều người sẽ chuyển ngay qua làm xây dựng vì công việc giản đơn”, ông Hải chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ: “Nhiều nhà thầu trong nước cho biết sẽ liên kết với nhau, đề nghị Hiệp hội kết nối để có thể cùng thực hiện gói thầu lớn. Nói chung, các nhà thầu rất quan tâm, kỳ vọng vào cơ hội này. Chúng tôi vẫn chờ hướng dẫn cụ thể”.

Đánh giá về tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng hiện nay, ông Hiệp cho biết, ngay cả những DN lớn như Coteccons, Vinaconex, Phục Hưng… thì doanh thu và lợi nhuận đều giảm. “Nhìn chung, toàn ngành xây dựng đều khó khăn, nguồn việc cũng cạnh tranh. Khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nguồn công việc sẽ bớt khó khăn”, ông Hiệp nói. 

Cần chuẩn bị gì để nắm bắt vận hội mới?

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, nhóm ngành xây dựng, xây lắp sẽ có sự phân hóa mạnh trong thời gian tới. Những DN xây dựng dân dụng có thể phụ thuộc vào sự phục hồi thanh khoản và dòng vốn vào thị trường bất động sản, trong khi một số DN thi công nền móng, hạ tầng có thể có lợi thế lớn từ hoạt động đầu tư công của Chính phủ.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, ngành xây dựng là ngành kinh tế có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị, kể từ giữa năm 2018 đến nay, tốc độ phát triển của mảng xây dựng, xây lắp và hạ tầng giảm mạnh với tỷ lệ tăng trưởng năm 2018 - 2019, chỉ đạt 9,2 - 9,5%.

Để đối phó với tình trạng khó khăn, nhiều DN trong ngành đã áp dụng chiến lược xoay sở khác nhau. Họ cũng nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt tình hình, tận dụng cơ hội.

Ông Lê Viết Hải cho biết, Hòa Bình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng việc tích luỹ kinh nghiệm trong thực hiện các dự án hạ tầng để tận dụng cơ hội từ việc thúc đẩy đầu tư công. Động thái “thâu tóm" Công ty CP 479 được ông Hải ví như “bàn đạp" để tiến sâu hơn vào lĩnh vực hạ tầng.

Ngoài việc đầu tư vào một công ty chuyên về lĩnh vực hạ tầng, Hòa Bình cũng tuyển giám đốc đến từ một tổng công ty xây dựng giao thông hàng đầu Việt Nam. DN vẫn đang tiếp tục các hoạt động mở rộng thị trường, tham dự thầu nhiều dự án, đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng. Tổng giá trị đang dự thầu hiện nay của Hòa Bình lên đến trên 26.000 tỷ đồng. “Sự chuẩn bị trong thời gian qua giúp chúng tôi đón đầu cơ hội xây dựng hạ tầng. Bản thân Hòa Bình cũng là tổng thầu nhiều công trình lớn, chủ đầu tư nhiều dự án”, ông Hải chia sẻ.

Dù kỳ vọng vào các cơ hội, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp không quên chia sẻ những lo ngại trong việc tiếp cận các dự án đầu tư công. “Nhìn tổng thể, cơ hội tăng lên nhưng cũng nhiều khó khăn cần được xử lý. Nhà thầu sợ nhất là giải ngân. Nợ đọng là nỗi sợ lớn nhất”, ông Hiệp phân tích.

Ông Hiệp cho biết, để giảm bớt “nỗi sợ" về nợ đọng, Hiệp hội từng kiến nghị phải thanh toán xong cho nhà thầu mới được đưa vào nghiệm thu. Thêm nữa, DN phải được tạo thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin. Từ phía DN cũng phải năng động, chủ động hơn trong nắm bắt cơ hội.

Ông Lê Viết Hải cũng chia sẻ, khi mua Công ty 479, DN bị “choáng" trước khoản nợ đọng xây dựng nhiều năm chưa giải quyết. Để giúp các dự án đầu tư công huy động nguồn lực ngành xây dựng tốt nhất, ông Hải cho rằng, cần giải tỏa nợ đọng, tạo nguồn vốn cho DN. “Quản lý dự án phải chặt chẽ, đảm bảo thanh toán, quyết toán. Giải phóng mặt bằng thông suốt, đấu thầu nên tổ chức toàn bộ online, đảm bảo minh bạch, công bằng ”, ông Hải kiến nghị.

Ngoài ra, các công ty xây dựng thường vay ngắn hạn. Tác động từ đại dịch cũng khiến cho nhiều DN tạm thời mất khả năng thanh khoản. Để cứu DN, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thay đổi một số quy định trong vay vốn ngắn hạn, giãn nợ cho các nhà thầu.

Một số DN xây dựng khác trên thị trường cũng đang xoay sở để nắm bắt cơ hội từ nguồn lực hạ tầng. Năm 2020 cũng như giai đoạn 5 năm tới, 2 trong 5 mảng kinh doanh chủ đạo của Công ty CP FECON là xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp và phòng chống biến đổi khí hậu.

Nhận định chung về thị trường, ông Ðào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, nhóm ngành xây dựng, xây lắp sẽ có sự phân hóa mạnh trong thời gian tới. Những DN xây dựng dân dụng có thể phụ thuộc vào sự phục hồi thanh khoản và dòng vốn vào thị trường bất động sản, trong khi một số DN thi công nền móng, hạ tầng có thể có lợi thế lớn từ hoạt động đầu tư công của Chính phủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư