Nhà thầu tăng tốc đưa cát biển vào cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai thi công các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.
Tiến độ của các dự án cao tốc qua Đồng bằng sông Cửu Long hiện phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát. Ảnh: Lê Tiên
Tiến độ của các dự án cao tốc qua Đồng bằng sông Cửu Long hiện phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát. Ảnh: Lê Tiên

Với việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để khắc phục tình trạng thiếu cát đắp nền, ngay khi những m3 cát biển đầu tiên được đưa về công trình, dự báo tiến độ tổng thể của các dự án sẽ được đẩy nhanh.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là một trong những nhà thầu đầu tiên thi công tại Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được cấp phép khai thác cát biển. Đây là kết quả sau hơn 1 tháng các nhà thầu hoàn thiện toàn bộ hồ sơ xin cấp mỏ theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng. Trong hồ sơ, các nhà thầu cũng trình phương án an toàn giao thông hàng hải, chờ UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận phương án và triển khai khai thác.

Ông Đỗ Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết, Nhà thầu sử dụng phương pháp khai thác bằng cách cho vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này dàn trải, không tạo hố sâu nên không dẫn đến việc xói lở. Đây là phương án Nhà thầu đã đề xuất trong hồ sơ và được UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận. Theo tính toán của Nhà thầu, trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ khai thác từ 35.000 - 50.000 m3 cát/ngày, đạt tổng công suất 6 triệu m3.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C, thành viên liên danh thi công Gói thầu XL-03 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cho biết, Nhà thầu VNCN E&C là đại diện được các nhà thầu trong liên danh ủy quyền làm hồ sơ trình cấp phép khai thác cát biển. Sau đó, nhà thầu này sẽ phân bổ lại cho các nhà thầu theo đúng khối lượng, thỏa thuận liên danh. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, thủ tục cho các nhà thầu còn lại.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam khu vực ĐBSCL đã trình hồ sơ xin cấp phép khai thác cát biển, chuẩn bị mọi phương tiện, thiết bị để sẵn sàng khai thác. Cụ thể, các nhà thầu đã huy động 30 tàu mỗi mỏ, loại sức chứa từ 800 m3 đến 2.500 m3. Đối với sà lan vận chuyển từ cửa sông về dự án, với công suất khai thác dự kiến 50.000 m3/ngày, cần huy động khoảng 320 sà lan (loại 600 m3)...

“Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã lưu ý cát biển tại vùng biển Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ có thể khai thác từ cuối tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, thời gian còn lại không thể tổ chức khai thác do vào mùa gió chướng, biển động. Điều này cần phải được quan tâm khi lập kế hoạch triển khai các dự án, nhà thầu cần nắm bắt để chủ động khâu khai thác, vận chuyển cát phục vụ thi công”, ông Thi nhấn mạnh.

Chủ đầu tư cho biết thêm, tổng giá trị sản lượng của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đi qua khu vực ĐBSCL đến nay đạt hơn 5.500/18.812 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng), bằng hơn 30% giá trị hợp đồng. Riêng năm 2024 đã giải ngân 1.456/4.541 tỷ đồng (32%), trong đó, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đảm bảo kế hoạch; Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang giải ngân 612,34/1.665 tỷ đồng, đạt 36,77% kế hoạch.

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, tiến độ của các dự án hiện phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát. Đến nay, Dự án đã tiếp nhận khoảng 3,9 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác tại địa phương, công suất trung bình 26.000 m3/ngày, còn cần khoảng 11,2 triệu m3 (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 4,4 triệu m3, Hậu Giang - Cà Mau khoảng 6,8 triệu m3). “Do đó, khi được cấp phép khai thác cát biển, nhà thầu huy động toàn lực để tăng tốc khai thác, vận chuyển cát về công trình sẽ giải quyết kịp thời, căn cơ tình trạng khát cát, đẩy nhanh tiến độ, bù tiến độ nhằm đưa dự án về đích đúng kế hoạch”, Chủ đầu tư cho biết.

Được biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ mở rộng phạm vi thí điểm đắp nền bằng cát biển trên tuyến chính cao tốc thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết, khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng được xác định có trữ lượng cát 680 triệu m3. Trong đó, khoảng 145 triệu m3 cát có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, san lấp nền. Khi các nhà thầu cung cấp đầy đủ hồ sơ xin cấp phép khai thác cát biển, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ thẩm định, chấp thuận. Địa phương yêu cầu các nhà thầu khi tiếp cận, khai thác cát biển cần đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, cát biển này hiện chỉ phục vụ cho cao tốc Bắc Nam phía Đông theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư