Trong vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Coteccons không còn khả quan như trước. Mọi việc bắt nguồn từ việc đổi chủ và sự ra đi của người sáng lập, điều hành suốt 16 năm qua là ông Nguyễn Bá Dương cùng một loạt lãnh đạo chủ chốt vào năm 2020 khiến giới đầu tư đặt nhiều ngờ vực về công ty này. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của Coteccons càng thêm khó khăn với khoản lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý III/2021. Đây là quý thứ 2 Coteccons kinh doanh thua lỗ sau nhiều năm hoạt động (quý IV/2020 lỗ 36 tỷ đồng).
Diễn biến đồng thuận với kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu CTD của doanh nghiệp này từ mức đỉnh hơn 200 nghìn đồng trong năm 2018 rơi xuống mức gần 40.000 đồng vào tháng 4/2020, sau đó đã có sự hồi phục và gần như đi ngang trước khi tăng mạnh trở lại trong tháng 12/2021.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, rơi mạnh trong suốt giai đoạn năm 2018 đến tháng 4/2020, tuy nhiên đã có sự phục hồi mạnh mẽ từ tháng 9/2021 giúp giá trị vốn hoá thị trường của Xây dựng Hoà Bình đạt mức 5.745 tỷ đồng vào ngày 10/11/2021 và chính thức vượt Coteccons (khoảng 5.500 tỷ đồng) sau nhiều năm bị áp đảo.
Được biết, sự thăng hoa của Xây dựng Hòa Bình không chỉ đến từ kỳ vọng của thị trường trong làn sóng đầu tư công mạnh mẽ, mà còn là tín hiệu cho sự cải thiện của Công ty sau nhiều năm tái cấu trúc. 9 tháng đầu năm 2021, nhà thầu này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 23%, đạt 81 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu quý II và quý III năm 2021 của Xây dựng Hòa Bình đã vượt qua Coteccons. Năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đưa ra mục tiêu doanh thu kỷ lục 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 420 tỷ đồng.
Không chỉ có CTD và HBC, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu xây dựng cũng đang dần lấy được niềm tin từ các nhà đầu tư sau giai đoạn kinh doanh ảm đạm. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, nhiều cổ phiếu nhóm ngành xây dựng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như cổ phiếu HHV của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng 35% từ 20.000 đồng lên 27.000 đồng; cổ phiếu HTN của Công ty CP Hưng Thịnh Incons tăng trưởng 90%; cổ phiếu LCG của Công ty CP Licogi 16 tăng 42%…
Theo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ dành tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. Điều này sẽ có tác động kích cầu đầu tư để phục hồi tăng trưởng. Hưởng lợi đầu tiên từ chính sách này là nhóm nhà thầu xây dựng.
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, đầu tư công là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi nền kinh tế trong năm 2022. Mặt khác, VDSC kỳ vọng thị trường bất động sản tích cực trong năm 2022 cũng sẽ góp phần cho sự phục hồi của ngành xây dựng khi các nhà thầu xây dựng có nhiều hợp đồng ký mới hơn.
Dấu hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện, rõ ràng. Coteccons cho biết tổng giá trị các gói thầu trúng năm 2021 là 25.000 tỷ đồng, riêng quý IV/2021 ước tính chiếm 10.000 tỷ đồng nhờ kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành phía Nam bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong khi đó, Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận trúng thầu 2 dự án mới với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị trúng thầu năm 2021 của Công ty là 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch năm (14.000 tỷ đồng).
Theo ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối diện với nhiều thách thức như áp lực lạm phát, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 nhưng dự báo sẽ phục hồi tích cực từ năm 2022. Trong đó, đầu tư công đóng vai trò quan trọng dẫn dắt tăng trưởng, là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân vốn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng thời gian qua. Đầu tư công sẽ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, từ đó kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng.