Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Làm giả cả 2 bảo lãnh của ngân hàng
Trao đổi với phóng viên về lý do chấm dứt hợp đồng gói thầu xây lắp số 3 nêu trên, ông Lê Nguyễn Thái Bình, Phòng Thẩm định, Sở KH&ĐT Đắk Lắk cho biết, gói thầu này do Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công gói thầu bị chấm dứt hợp đồng là Công ty CP Xây dựng công trình sông Hậu – TP. Hà Nội. Hợp đồng thực hiện gói thầu giữa nhà thầu và chủ đầu tư ký ngày 30/5/2014 nhưng sau đó nhà thầu không chịu thi công. Chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản đốc thúc nhà thầu triển khai Dự án nhưng nhà thầu vẫn “chây ì” không chịu thực hiện. Nhà thầu này sau đó lại có văn bản gửi chủ đầu tư và đề nghị chủ đầu tư cho nhà thầu phụ thực hiện một số hạng mục trong hợp đồng với lý do nhà thầu chính không đủ năng lực thực hiện gói thầu vì đang cùng lúc thực hiện nhiều gói thầu ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, “đề xuất” vô lý và trái pháp luật này của nhà thầu đã không được chủ đầu tư chấp thuận.
Ông Lê Nguyễn Thái Bình cho biết thêm: Và sau nhiều nỗ lực thúc tiến độ dự án không thành, chủ đầu tư đã phát văn bản đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Hà Nội bảo lãnh trách nhiệm nhà thầu, gồm Thư bảo lãnh (nộp kèm hồ sơ dự thầu) và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Ngày 21/8/2015, BIDV chi nhánh Hà Nội đã có văn bản khẳng định, 2 bảo lãnh mà nhà thầu Công ty CP Xây dựng công trình sông Hậu nộp cho chủ đầu tư là bảo lãnh giả, không phải là bảo lãnh mà ngân hàng này cấp cho nhà thầu.
Nhiều chuyện “hậu trường” về đấu thầu
Trong năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Hưng Nguyên – nhà thầu thi công Gói thầu xây lắp số 4 thuộc Dự án Trung tâm Kỹ thuật phát thanh truyền hình thuộc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đắk Lắk.
Về lý do chấm dứt hợp đồng gói thầu này, ông Lê Nguyễn Thái Bình cho biết, gói thầu này có giá khoảng 3,1 tỷ đồng, nhà thầu đã thi công được phần lớn khối lượng gói thầu với giá trị thực hiện khoảng 2,8 tỷ đồng, phần khối lượng còn lại chưa thực hiện là khoảng hơn 300 triệu đồng. Theo thông báo của Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột thì nhà thầu này không nộp thuế nên hóa đơn do nhà thầu này cung cấp không có giá trị. Mặc dù khối lượng chưa thực hiện của gói thầu còn ít nhưng khi hóa đơn do nhà thầu cung cấp không có giá trị pháp lý thì gói thầu cũng không thể hoàn thành được, phải có nhà thầu khác thay thế để thực hiện phần khối lượng còn lại của gói thầu. Hơn nữa, gói thầu này đã liên tục bị chậm tiến độ, khi triển khai thực hiện từ năm 2011, theo tiến độ đề ra ban đầu thì phải hoàn thành vào tháng 4/2012, và gia hạn thực hiện lần cuối là đến tháng 6/2015 nhưng vẫn không thể hoàn thành được nên đành phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu để tìm nhà thầu khác thay thế.
Sở KH&ĐT Đắk Lắk cho biết, sau đấu thầu tiến độ thi công của nhiều dự án không đảm bảo theo thời gian và hợp đồng thi công đã ký kết. Do không đánh giá đúng năng lực thực tế của nhà thầu nên sau khi trúng thầu, nhà thầu triển khai thi công không đạt tiến độ theo yêu cầu, chất lượng công trình chưa được nhà thầu quan tâm đúng mức, vi phạm thời gian thi công… nhưng chủ đầu tư chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với nhà thầu vi phạm.
Cũng theo Sở KH&ĐT Đắk Lắk, trong năm 2015, Sở nhận được kiến nghị của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng công trình ACO (TP. Hải Dương) về việc UBND xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột không bán hồ sơ mời thầu Gói thầu xây lắp đường liên thôn 7 đi thôn 3 xã Hòa Phú và Gói thầu xây lắp đường giao thông liên thôn 8 đi thôn 13 xã Hòa Phú. Sở đã báo cáo UBND Tỉnh và chuyển đơn kiến nghị này đến UBND xã Hòa Phú xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong năm 2015, Đắk Lắk đã tổ chức 4 cuộc thanh tra về công tác đấu thầu, tại 4 chủ đầu tư trên địa bàn với tổng số 234 gói thầu thuộc các dự án đầu tư xây dựng và mua sắm hàng hóa, trong đó có 174 gói tư vấn, 8 gói mua sắm hàng hóa và 52 gói xây lắp. Qua thanh tra đã phát hiện kịp thời những tồn tại, yếu kém trong công tác đấu thầu của các chủ đầu tư và UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.