![]() |
Một số thành viên trong Liên danh 220kV Tây Hà Nội từng hợp tác trúng nhiều gói thầu cáp ngầm ngành điện. Ảnh minh họa: Bình Minh |
Gói thầu do Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, áp dụng quy trình đấu thầu nội khối theo Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh 220kV Tây Hà Nội trúng thầu với giá 1.394 tỷ đồng (giá dự toán 1.400 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.
Trong Liên danh trúng thầu, Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng và hạ tầng Việt Nam (VIE) thực hiện khối lượng công việc tương ứng 22,4% giá trị hợp đồng; Công ty CP Cáp điện và Hệ thống LS-VINA (LS-VINA) đảm nhiệm 49,5%; Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương (TDEC) đảm nhiệm 28,1%.
Một cán bộ của Ban Đấu thầu thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội cho biết, Chủ đầu tư và Liên danh trúng thầu đang trong quá trình đàm phán, chuẩn bị ký kết hợp đồng. “Liên danh 220kV Tây Hà Nội là nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm. Tại gói thầu này, họ trúng thầu thuyết phục thông qua đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, tuân thủ đúng các quy định”, vị cán bộ khẳng định.
Theo báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Gói thầu có 2 nhà thầu tham dự. Trong đó, Liên danh Công ty CP Kỹ thuật Á Châu - Công ty CP Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin - Công ty TNHH PNP Hà Nội (gọi tắt là Liên danh ACIT-AIT-PNP) không đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, các thành viên Liên danh đều không có hợp đồng tương tự đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự, HSMT yêu cầu nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu, trong đó có hợp đồng cung cấp và lắp đặt cáp ngầm và phụ kiện cáp ngầm cấp điện từ 220kV trở lên; đã hoàn thành quy mô (giá trị) tối thiểu 700 tỷ đồng, trong đó giá trị cung cấp hàng hóa cáp ngầm từ 220kV trở lên tối thiểu 623 tỷ đồng.
Trong Liên danh, ACIT tham gia 55% giá trị gói thầu nhưng không có hợp đồng cung cấp và lắp đặt cáp ngầm 220kV trở lên đáp ứng với phần công việc đảm nhận theo yêu cầu của HSMT. ACIT chỉ cung cấp Hợp đồng tương tự số 0509/2019/TN-ACIT ký ngày 6/9/2019 với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam về việc cung cấp vật tư, thiết bị và thực hiện dịch vụ liên quan hạng mục TBA 500kV Vĩnh Tân thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Hợp đồng bao gồm các hạng mục cung cấp và lắp đặt TBA 500/220kV, nhưng không có hạng mục cung cấp cáp ngầm 220kV trở lên nên không đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Tương tự, AIT tham gia 30% giá trị gói thầu, PNP tham gia 15% giá trị gói thầu nhưng không có hợp đồng cung cấp và lắp đặt cáp ngầm 220kV trở lên đáp ứng với phần công việc đảm nhận theo yêu cầu của HSMT.
Về nhân sự chủ chốt, Liên danh ACIT-AIT-PNP cũng không đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Bên mời thầu đã đề nghị Liên danh ACIT-AIT-PNP làm rõ HSDT, bổ sung hợp đồng tương tự và tài liệu chứng minh kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt theo yêu cầu của HSMT, song họ không cung cấp được.
Trong khi đó, Liên danh 220kV Tây Hà Nội đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Về năng lực sản xuất hàng hóa, LS-VINA - thành viên Liên danh là nhà sản xuất cáp ngầm 220kV, sản lượng trung bình tháng gần nhất so với thời điểm đóng thầu (tính là năm 2023) đạt trên 18.000 m/tháng > 11.915 m/tháng…
Về năng lực tài chính, HSMT yêu cầu doanh thu bình quân hàng năm (không bao gồm thuế VAT) của 5 năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu của nhà thầu có giá trị tối thiểu là 1.915 tỷ đồng. Theo yêu cầu này, tổng doanh thu của Liên danh 220kV Tây Hà Nội đáp ứng yêu cầu, trong đó doanh thu 5 năm gần nhất của VIE là 232,405 tỷ đồng; LS-VINA là 13.231 tỷ đồng; TDEC là 368,264 tỷ đồng.
Một nhà thầu xây lắp lớn trong lĩnh vực năng lượng nhận xét, trong Liên danh 220kV Tây Hà Nội, TDEC là nhà thầu hàng đầu cung cấp giải pháp toàn diện cho các dự án cáp ngầm trên bờ và cáp ngầm biển tại Việt Nam với chất lượng thực hiện được đánh giá tốt. Trước đó, TDEC đã trúng thầu cung cấp, lắp đặt cáp ngầm 220kV và phụ kiện cho Dự án Đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng; trúng Gói thầu EPC Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà (Quảng Ninh); Gói thầu EPC tuyến cáp ngầm 22kV trên biển thuộc Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Thơm, huyện Phú Quốc…
Một số thành viên trong Liên danh 220kV Tây Hà Nội từng hợp tác trúng nhiều gói thầu cáp ngầm ngành điện. Đơn cử, năm 2020, VIE và TDEC liên danh trúng Gói thầu Thi công xây dựng + thiết bị + HMC + thử nghiệm (PD, AC, DC) cáp ngầm 220kV + nghiệm thu đóng điện thuộc Dự án Hạ ngầm tuyến đường dây cao thế 220kV phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án Xây dựng đường Vành đai 3,5 trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) với giá trúng thầu 265,79 tỷ đồng. Năm 2023, TDEC liên danh với LS-VINA trúng gói thầu 402 tỷ đồng đào và tái lập mương cáp, cung cấp, lắp đặt cáp ngầm và phụ kiện đoạn từ vị trí T.07 đến vị trí đấu nối T1.01 (4,5km) thuộc Dự án Nhánh rẽ trạm 220kV Tân Sơn Nhất…
Cán bộ của Bên mời thầu cho biết, sau khi ký hợp đồng sẽ yêu cầu Liên danh 220kV Tây Hà Nội bắt tay ngay vào triển khai thi công, bởi đây là công trình quan trọng, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế.