Nhà thầu gánh trên vai “liên minh gian khó”

(BĐT) - Thực trạng đơn giá, định mức thấp, lạc hậu, không sát với thực tế, khan hiếm vật liệu, vướng mắc mặt bằng đang tạo thành “liên minh gian khó” cản bước phát triển của các nhà thầu. Trong chuyên đề đặc biệt này, Báo Đấu thầu ghi nhận chia sẻ của nhà thầu về những vất vả, khó khăn, rủi ro trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Nhà thầu gánh trên vai “liên minh gian khó”

Việc tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho nhà thầu phải quyết liệt và đồng bộ

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành

Nguồn công việc của nhà thầu xây lắp từ năm 2022 đến nay tăng mạnh do Nhà nước đẩy mạnh đầu tư vào các công trình hạ tầng quốc gia. Hiện nay, hàng loạt công trình giao thông lớn đang được triển khai với tiến độ hoàn thành gấp rút, nhà thầu đang phải căng mình chạy đua với thời gian, với thời tiết để đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, của người dân. Tuy nhiên, do bất cập về đơn giá, định mức, nhà thầu thi công các công trình này không có lợi nhuận. Nhiều nhà thầu không còn thiết tha đấu thầu xây lắp mà chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh khác.

Chúng tôi hy vọng, Chính phủ, bộ ngành, địa phương quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ để tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin và chỗ dựa cho nhà thầu chuyên tâm, dồn sức lực đưa các công trình lớn về đích đúng hẹn.

Nhà thầu lao đao vì hợp đồng không được điều chỉnh giá

Ông Trần Hữu Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Diệp

Hiện nay, đa phần các gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị nội thất đều được áp dụng loại hợp đồng trọn gói. Giá của các thiết bị nội thất, định mức về nhân công, vật tư được lập trong dự toán các gói thầu nội thất không được các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cập nhật theo giá thị trường, đơn giá sản phẩm vẫn ở mức của 2 - 3 năm về trước. Trong thực tế triển khai gói thầu phát sinh chi phí, nhà thầu không có cách gì để được thanh toán phần chi phí đội lên.

Đối với một số gói thầu thiết bị nội thất áp dụng hợp đồng theo đơn giá cố định cũng vậy, giá thanh toán cho nhà thầu áp dụng với mức cố định đã lạc hậu trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Tính trung bình, đơn giá, định mức được lập trong giá dự toán thấp hơn giá thị trường khoảng 20%.

Trong bối cảnh hiện nay, chi phí đầu vào của các sản phẩm nội thất tăng cao, ở nhiều gói thầu, chi phí sắt thép tăng khoảng 40 - 50%, gỗ tăng 20 - 30%, nhân công khan hiếm nên phải trả lương cao. Do đó, ở một số gói thầu, sau khi trúng thầu và tiến hành đo đạc thực tế, nhận thấy công tác thi công phát sinh nhiều khối lượng hơn hồ sơ thiết kế được duyệt, nhà thầu đã chấp nhận mất bảo lãnh dự thầu, thậm chí là mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bỏ dở giữa chừng vì nếu làm thì lỗ lớn quá.

Nhà thầu mong muốn cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật giá dự toán gói thầu sát giá thị trường, hợp đồng phải tính đúng, tính đủ cơ bản chi phí phát sinh hoặc có cơ chế điều chỉnh thanh toán linh hoạt cho nhà thầu khi đơn giá thiết bị, khối lượng thực tế tăng trên 15%.

Cần sớm có cơ chế bảo đảm kịp thời thanh toán cho nhà thầu

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Hiện nay, các gói thầu xây lắp sử dụng vốn đầu tư công, nếu tính theo nguồn chỉ số giá do các địa phương công bố thì hệ số bù giá bình quân (ở các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh) khoảng 1,018 - 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8% - 8%).

Thực tế triển khai các gói thầu xây lắp trong vài năm trở lại đây cho thấy, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính biến động chi phí máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20% - 30%. Các quy định “cứng” về điều chỉnh giá đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí thực tế thanh toán, khiến nhà thầu gặp khó khăn về tài chính khi tham gia các gói thầu xây lắp. Về vướng mắc này, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để các bộ, ngành liên quan giải quyết song đến nay, chưa có giải pháp tháo gỡ nào được đưa ra.

Bên cạnh đó, việc công bố chỉ số giá của các địa phương thường chậm, không phản ánh đúng với thực tế biến động giá tại các dự án lớn mà nhà thầu đang thi công. Nhà thầu thường xuyên phải chờ đợi địa phương ban hành các chỉ số điều chỉnh giá mới làm được các thủ tục điều chỉnh giá nên không được thanh toán kịp thời khối lượng công việc đã thực hiện. Chúng tôi kiến nghị, việc thanh toán cho nhà thầu không cần thiết phải chờ địa phương công bố chỉ số giá mà cho tạm áp dụng chỉ số giá tại thời điểm gần nhất hoặc sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê công bố để đưa vào hồ sơ thanh toán điều chỉnh giá, khi có chỉ số giá chính thức sẽ tiến hành điều chỉnh.

Định mức bất cập gây thiệt hại cho nhà thầu

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả

Hiện nay, nhiều định mức về nhân công, ca máy, vật liệu không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, định mức đang quá thấp so với thực tế, không đủ chi phí để nhà thầu thi công. Chẳng hạn, dự toán thường vận dụng định mức AI.622 lắp dựng kết cấu thép dạng Bailey, Uykm để thay cho định mức lắp đặt ván khuôn leo trụ cao. Máy thi công sử dụng loại cần cẩu 16T, nhưng đối với trụ cao thì tầm với và sức nâng của cần cẩu lớn hơn như 25T, 80T... mới bảo đảm. Công tác triển khai thi công đá tận dụng đắp nền đang áp dụng rất nhiều tại các dự án trọng điểm nhưng định mức đắp đá và hệ số lu lèn vẫn chưa được ban hành để áp dụng. Ngoài ra, các định mức về vận chuyển, cấp phối đá dăm, đắp đất cải tiến, cọc khoan nhồi, cọc xi măng đất… cũng rất bất cập, vô lý.

Ngoài ra, ngày nghỉ, ngày lễ, chi phí nhân công thực tế mà nhà thầu chi trả phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có định mức, dự toán nào bù mức tăng này. Nguyên tắc của lập dự toán là bảo đảm tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, các đơn vị chuyên môn lập, thẩm tra, thẩm định dự toán theo nguyên tắc lấy chi phí thấp nhất để “an toàn” trong công tác hậu kiểm, nên không phản ánh đúng thực tế thi công, gây thiệt hại cho nhà thầu. Nhà thầu kiến nghị, định kỳ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải phối hợp các hiệp hội, doanh nghiệp tiến hành khảo sát thực tế tại các dự án để cập nhật định mức.

Nhà thầu thi công cao tốc đau đầu vì thiếu vật liệu đắp nền

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

Đơn vị chúng tôi thực hiện nhiều dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam và gặp nhiều khó khăn liên quan đến vật liệu đắp nền. Đơn cử vật liệu cát, sau đợt bão giá vừa qua, giá cát đắp trong hợp đồng là 153.000 đồng/m3 nhưng nhà thầu phải mua với giá 254.000 đồng/m3. Trung bình mỗi gói thầu xây 1 đoạn tuyến cao tốc, riêng hạng mục cát đắp cần dùng 300.000 m3 thì tính sơ nhà thầu phải bù lỗ tới 30 tỷ đồng. Có 3 nguyên nhân dẫn đến bất cập này. Thứ nhất, báo giá của địa phương không kịp, không sát với thực tế. Thứ hai, các chủ mỏ bắt tay để thao túng thị trường, làm đội giá vật liệu, dẫn đến rất khó mua vật liệu đắp nền. Thứ ba là bất cập về việc thanh tra, kiểm toán sau khi hoàn thành công trình. Các đoàn thanh tra, kiểm toán thường áp định mức có giá trị thấp nhất để tính toán giá trị hoàn thành công trình. Đây thực sự là vấn đề khó khăn, nhức nhối với các nhà thầu khi bộ định mức chưa phù hợp với thực tế, có thể chỉ được xây dựng trên lý thuyết.

Mặt khác, định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành hiện nay dùng chung cho cả nước. Trong khi đó, ngành giao thông có đặc thù trải dài theo tuyến nên áp dụng chung 1 bộ định mức là không phù hợp với thực tiễn.

Chi phí thấp, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình là rất lớn

Ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Thương mại Đức Phú

Trong hoạt động đầu tư xây dựng, giai đoạn khảo sát và thiết kế cũng như giám sát thi công là những khâu rất quan trọng, quyết định tới tiến độ, chất lượng, sự bền vững của mỗi công trình, dự án.

Tuy nhiên, các gói thầu tư vấn thường có giá dự toán thấp, trong khi chi phí nhân công thực hiện tăng cao nên nhà thầu không mặn mà tham gia đấu thầu. Đó là chưa kể đến các gói thầu tư vấn giám sát thi công thường có hình thức hợp đồng trọn gói, không được điều chỉnh chi phí thực hiện trong khi thời gian thực hiện gói thầu bị kéo dài (do nhà thầu xây lắp thi công chậm tiến độ hoặc chậm bàn giao mặt bằng) nên làm mà không có lãi, thậm chí là lỗ, nhiều nhà thầu vì thế cũng “bỏ bê” công việc được giao trong hợp đồng. Thậm chí, thời gian gần đây, một số nhà thầu tư vấn không thể giữ được nhân sự giỏi vì nguồn thu eo hẹp, lương thưởng không bảo đảm cuộc sống.

Nếu các cơ quan chức năng không kịp thời tháo gỡ những bất cập về cách tính định mức chi phí tư vấn trong đầu tư xây dựng thì nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình là rất lớn vì nhà thầu không bố trí nhân lực bảo đảm chất lượng để thực hiện, quá trình thi công có thể phát sinh nhiều rủi ro…

Đề xuất áp dụng điều chỉnh giá trực tiếp với những vật liệu xây dựng chính khi có biến động lớn về giá

Ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường

Thời gian qua, giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng liên tục biến động tăng cao. Trong khi đó, công tác điều chỉnh giá của các chủ đầu tư lại chậm, không phù hợp và không phản ánh chính xác thị trường. Với hầu hết các chủ đầu tư, việc điều chỉnh giá được thực hiện theo công thức tính chung cho cả nhóm nên chỉ điều chỉnh được khoảng 15 - 20% giá nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những thời điểm giá thép tăng khoảng 170%, đất đắp tăng 150%, cát tăng 150%, xăng/dầu máy tăng 130%... Vì vậy, nhà thầu thi công phải “oằn mình” gánh những chi phí phát sinh từ việc vật liệu xây dựng chính tăng đột biến ở thời điểm nào đó mà không được thanh toán điều chỉnh.

Để giảm bớt gánh nặng cho nhà thầu, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra chính sách để có thể áp dụng điều chỉnh giá trực tiếp đối với những mặt hàng vật liệu xây dựng chính khi có biến động lớn về giá. Công thức tính cần được cụ thể hóa trong khi xây dựng hồ sơ mời thầu, để việc thực hiện thanh toán theo đơn giá điều chỉnh của nhà thầu sát với thực tế và dễ thực hiện.

Gánh nặng chi phí phát sinh vì thiếu mặt bằng sạch

Ông Hồ Tuấn Nhân, Giám đốc Công ty CP Cầu đường Long Biên Hà Nội

Bên cạnh khó khăn về đơn giá, định mức, nhà thầu gặp khó khăn rất lớn về vấn đề mặt bằng. Trên thực tế, việc chậm bàn giao mặt bằng sạch để thi công diễn ra rất phổ biến ở các công trình xây dựng.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này và hệ lụy của nó là nhà thầu phải gánh chi phí phát sinh. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế “san sẻ” gánh nặng chi phí này cho nhà thầu. Chúng tôi đã từng gặp khó khăn khi thi công một công trình giao thông quy mô nhỏ, khối lượng thực hiện không nhiều nhưng đến gần hết thời hạn thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư mới bàn giao được một phần mặt bằng để thi công.

Bên cạnh đó, tình trạng chủ đầu tư bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” cũng khiến nhà thầu khó triển khai công việc dù có sẵn nhân công, máy móc. Không ít trường hợp nhà thầu đứng ngồi không yên vì máy móc “đắp chiếu”, nhân lực trên công trường “ngồi chơi” để đợi mặt bằng sạch, gây lãng phí nguồn lực của nhà thầu. Trên thực tế, nhà thầu không có cách nào để hạch toán những chi phí này. Nếu không làm hợp đồng chặt chẽ, không kịp thời lập biên bản ở thời điểm chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng thì không có cơ sở để được gia hạn thời gian thực hiện, gánh nặng trách nhiệm dồn hết lên vai nhà thầu.

Bên cạnh đó, ở những công trình không được bàn giao đủ mặt bằng sau khi ký hợp đồng, quá trình thi công của nhà thầu vô cùng vất vả vì gặp phải phản ứng của người dân, tình trạng tái lấn chiếm do họ chưa đồng ý về đơn giá đền bù, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án.

Chuyên đề