Năng lực nhà thầu là một trong những lý do chính khiến bên mời thầu phải đấu thầu lại nhiều gói thầu thi công xây dựng công trình quy mô lớn. Ảnh: Hoài Nam |
Và dù nhìn từ góc độ nào, phần lớn thiệt hại đổ lên các nhà thầu muốn tham gia với tinh thần cạnh tranh, minh bạch.
Xin rút lại quyết định hủy thầu
Khi tiếp cận hồ sơ của một loạt gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh B làm chủ đầu tư, Báo Đấu thầu nhận thấy, trong suốt một thời gian dài, đơn vị này chỉ giao thầu cho 2 nhà thầu ruột. Đến năm 2016, khi có một số nhà thầu có thực lực tại TP.HCM tham gia cuộc chơi thì diễn biến thực sự ly kỳ như… phim. Vì đã tìm hiểu gói thầu rất kỹ, nên hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu TP.HCM rất chuẩn, không thể bị loại bởi bất kể điểm nào. Đó là chưa nói đến việc chào giá của các nhà thầu này thực sự cạnh tranh. Vì không thể đường đường chính chính loại được những nhà thầu này, chủ đầu tư bắt đầu tung chiêu.
Đầu tiên, chủ đầu tư dọa nhà thầu là có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả, yêu cầu gửi bản gốc qua cơ quan công an để xác minh. Tuy nhiên, đây chỉ là trò “rung cây dọa khỉ”, chỉ có tác dụng với nhà thầu “yếu bóng vía” hoặc hồ sơ có vấn đề. Nhà thầu TP.HCM lập tức làm đơn kiến nghị về yêu cầu này của chủ đầu tư. Sau khi không thể “hù” được nhà thầu, chủ đầu tư lập tức xin hủy thầu vì lý do HSMT không đáp ứng các quy định. Quyết định hủy thầu bị các nhà thầu lẫn tư vấn lập HSMT phản ứng dữ dội vì thực tế, toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu, HSMT không nhận được bất kỳ ý kiến thắc mắc, đề nghị làm rõ HSMT nào của nhà thầu. Nhận thấy phản ứng của cả nhà thầu lẫn tư vấn, chủ đầu tư lại làm văn bản trình UBND tỉnh xin… rút lại quyết định hủy thầu.
Các nhà thầu đã phải than trời về cách xử lý vấn đề của chủ đầu tư này. Đáng nói, đây không phải là chuyện hiếm khi công tác tổ chức đấu thầu nhiều nơi đang bị coi là cuộc chơi của một nhóm lợi ích. Ở Bình Dương, có một gói thầu mà trong vòng 1 tuần, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu được thay đổi đến 3 lần. Lúc chọn được một nhà thầu đáp ứng, lúc lại hủy. Sau đó lại công bố tên nhà thầu như cũ. “Những gói thầu càng nhiều kiến nghị xoay quanh việc chấm thầu, càng có sự tham gia của những nhà thầu sẽ khiến cho chủ đầu tư khó sắp xếp được kết quả như ý. Trong các trường hợp này, quyết định hủy thầu cũng có thể bị hủy. Thậm chí, trong một ngày, chủ đầu tư ra đến mấy quyết định liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu là điều dễ hiểu”, một tư vấn đấu thầu tại TP.HCM chia sẻ.
Ai bồi thường cho thiệt hại của nhà thầu?
Khi nhà thầu Thới Bình gửi văn bản kiến nghị về quyết định hủy thầu nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau đã lập Hội đồng Tư vấn đấu thầu xử lý kiến nghị của nhà thầu. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu Thới Bình lại quan ngại: “Nếu đúng như những thông tin chúng tôi dự đoán, quyết định hủy thầu vẫn được giữ. Tuy nhiên, lý do hủy thầu có khả năng sẽ thay đổi. Thay vì lý do là không có nhà thầu đáp ứng thì sẽ thành HSMT không đáp ứng quy định dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu”.
Theo các nhà thầu, hiện nay, khi hủy thầu để xóa cờ chơi lại trong trường hợp không thể loại được nhà thầu bên ngoài để chọn nhà thầu ruột, các chủ đầu tư thường có xu hướng đổ lỗi cho HSMT. “Với việc đổ lỗi cho HSMT, chủ đầu tư chỉ cần đấu thầu lại, sắp xếp lại cuộc chơi. Trong khi đó, thiệt hại của nhà thầu thì không ai nhắc đến và có động thái bồi thường”. “Chúng tôi đang theo đuổi vụ việc đấu thầu tại Sở GD&ĐT Bến Tre và sẽ tính đến phương án kiện đòi bồi thường thiệt hại. Lý do hủy thầu là do HSMT thì đó là trách nhiệm lập và phê duyệt HSMT của chủ đầu tư. Do đó, những thiệt hại của nhà thầu do việc hủy thầu này, nếu sòng phẳng, chủ đầu tư phải tính toán đến”, đại diện Công ty CP Xây dựng và Trang trí nội thất Phúc Tấn chia sẻ.
“Khi chủ đầu tư hủy thầu vì lý do HSMT chưa tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu thì thiệt hại của nhà thầu nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô của gói thầu. Nếu là những gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao, thiệt hại này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đó là chi phí nhân sự mua HSMT, lập HSDT, chi phí cho việc xin bảo đảm dự thầu của ngân hàng, lãi suất ngân hàng, chi phí thời gian cho quá trình kiến nghị…”, đại diện nhà thầu Thới Bình phân tích thêm.
Với những gói thầu bị hủy do chủ đầu tư cố tình loại những nhà thầu có năng lực để dọn đường cho nhà thầu ruột, mọi ấm ức, thiệt hại sẽ dồn lên vai các nhà thầu thực sự muốn cạnh tranh. Luật Đấu thầu đã quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà thầu khi lỗi là do phía chủ đầu tư. Nhưng, nếu chủ đầu tư biết tính toán làm sao có lợi cho ngân sách, chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu, thì đã không cố tình hủy thầu bởi những lý do “loằng ngoằng” như vậy.