Nhà ở xã hội: Nhìn từ những bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ trương phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ là đúng đắn, nhưng để nhà ở xã hội đáp ứng đúng đối tượng, phát triển đúng lộ trình, những bất cập lâu nay rất cần được khắc phục kịp thời, dứt điểm.
Để nhà ở xã hội đáp ứng đúng đối tượng, phát triển đúng lộ trình, những bất cập lâu nay rất cần được khắc phục kịp thời, dứt điểm. Ảnh: Bảo Tín
Để nhà ở xã hội đáp ứng đúng đối tượng, phát triển đúng lộ trình, những bất cập lâu nay rất cần được khắc phục kịp thời, dứt điểm. Ảnh: Bảo Tín

Bất cập về các tiêu chí

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), bất cập đầu tiên là thời gian qua thường xuất hiện tình trạng người có điều kiện kinh tế tốt tranh suất mua nhà ở xã hội, hoặc có người giàu nhưng lại là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội. Nguyên nhân do các tiêu chí điều kiện của những đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng cuối cùng lại lỏng lẻo, chưa sát với thực tế và có thể lách.

Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần.

HoREA kỳ vọng tới đây, sau khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thì mới kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tương tự, Điểm a Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội” hoặc “có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu”.

Nhưng, nếu một người nào đó muốn lách - theo nhận định của ông Châu - thì không khó khi người đó để cho người thân khác đứng tên sở hữu nhà. Như vậy, người đó vẫn chứng minh được mình “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình” hoặc “có sở hữu nhà ở nhưng ở chật”.

Một nguyên nhân khác đến từ tiêu chí “điều kiện về thu nhập”. Cụ thể, Điểm b Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.

"Quy định này có các lỗ hổng và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội” hoặc có “người giàu ở lẫn” trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua", ông Châu phân tích.

Thực tế, nhiều người làm thêm “nghề tay trái” nhưng lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần so với thu nhập của “nghề tay phải”, song vẫn đủ “điều kiện về thu nhập” để được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Vì, Luật Nhà ở chỉ quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương”, mà không tính “các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương”.

Sửa đổi và giám sát

Xuất phát từ sự bất cập này, HoREA cho rằng, rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, Điểm a và Điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, đối với điều kiện về nhà ở: các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 khoản 1 Điều 73 của luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại các nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Riêng điều kiện về thu nhập: các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 8 khoản 1 Điều 73 của luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương hoặc các khoản thu nhập chịu thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…”.

Nhằm tăng tiếp cận tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước không nên quy định cứng nhắc về thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội tối thiểu. Ảnh: Bảo Tín

Nhằm tăng tiếp cận tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước không nên quy định cứng nhắc về thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội tối thiểu. Ảnh: Bảo Tín

Cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan đến nội dung xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Thời gian qua, một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk… vẫn có đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán nhằm trục lợi.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trước tình hình nói trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu địa phương nơi xảy ra hiện tượng đó kiểm tra làm rõ thông tin và có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sai phạm cần thu hồi nhà ở xã hội bán không đúng đối tượng.

Tuy nhiên, ông Sinh khẳng định, về lâu dài, giải pháp cần làm là phải tăng cường đầu tư, phát triển nhà ở xã hội ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021 - 2030. Dĩ nhiên, các địa phương phải thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp sai phạm.

Vẫn theo Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng với tổng số khoảng 18.768 căn, gồm: 6 dự án nhà ở xã hội quy mô 7.730 căn tại Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng và 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận, để xóa bỏ bất cập trong lĩnh vực nhà ở xã hội, đã đến lúc cần luật hóa các nội dung quan trọng trong các nghị quyết, đề án về phát triển nhà ở xã hội, nhất quán trong các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chuyên đề