Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thăm hỏi, động viên công nhân Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: VGP |
Chiều 21/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã thăm và làm việc tại Nhà máy đạm Ninh Bình. Bộ trưởng đã trực tiếp thăm dây chuyền sản xuất, chứng kiến những lô sản phẩm ra lò sau nỗ lực tái khởi động nhà máy vào tháng 1 vừa qua.
Nhà máy hoạt động trở lại, đủ tiền trả lãi ngân hàng
Ông Vũ Văn Nhẫn, Giám đốc nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, sau khi hoàn thành bảo dưỡng, củng cố máy móc, thiết bị và chờ tiêu thụ hết urê tồn kho (từ 27/7/2016 -19/1/2017), được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ Tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng với các giải pháp hỗ trợ tích cực từ các bộ, ban, ngành, ngân hàng và được Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) hỗ trợ cho vay 48,9 tỷ đồng làm vốn mồi, Đạm Ninh Bình đã tổ chức chạy lại máy sản xuất kinh doanh đợt 1 từ 19/1-18/4/2017.
Ngay sau đó, công ty đã tạo được dòng tiền luân chuyển trả hết nợ đến hạn tại Ngân hàng và hoàn trả đúng hạn 48,9 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Có dòng vốn luân chuyển Công ty đã tiếp tục tổ chức sản xuất đợt 2 năm 2017. Kết quả một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính năm 2017 đạt được: giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 1.138 tỷ đồng (bằng 70% kế hoạch năm và tăng 60% cùng kỳ 2016); sản xuất urê đạt 184.801 tấn (bằng 65% kế hoạch năm); tiêu thụ urê đạt 189.812 tấn (bằng 64% kế hoạch năm). Tổng doanh thu tiêu thụ đạt 1.172 tỷ đồng (bằng 71% kế hoạch năm).
Giá bán urê bình quân xấp xỉ 6 triệu đồng/tấn, cao hơn chi phí biến đổi bình quân (xấp xỉ 5,8 triệu đồng/tấn).
Đặc biệt, ông Nhẫn cho biết, việc chạy máy trở lại đã làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy (lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng).
"Khi được tiếp tục sản xuất kinh doanh, Công ty đã chủ động thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nợ với các ngân hàng, không để phát sinh nợ quá hạn, giảm được dư nợ gốc tại các Ngân hàng 153 tỷ đồng và trả lãi cho Ngân hàng 103 tỷ đồng. Máy móc được bảo vệ, vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên nên tránh được mất mát, hư hại. Giữ ổn định việc làm cho gần 900 lao động với mức lương bình quân đảm bảo ổn định cuộc sống", ông Vũ Văn Nhẫn cho hay.
"Nhà máy mới chỉ chạy được 80% công suất, khó khăn về nguyên liệu đầu vào (than), không có vốn lưu động cho sản xuất, dây chuyền thiết bị công nghệ cần tiền để bảo dưỡng… Ngoài ra, nhiều lao động được đào tạo có trình độ cao đã rời bỏ nhà máy, gây khó khăn cho công tác vận hành", ông Nhẫn chia sẻ.
Bộ trưởng thăm dây chuyền sản xuất Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thành viên Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương đã chỉ ra 3 vấn đề chính mà nhà máy đạm Ninh Bình đang gặp phải.
Thứ nhất, than là nguyên liệu đầu vào chiếm tới 56-60% giá thành sản xuất đạm. Trong khi đó hiện nay giá thành đạm ngày càng xuống, giá than lại ngày càng lên khiến chi phí đầu vào cao, hiện giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công…
Thứ hai, nhà máy cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào là than, hiện đang vay của TKV 133 tỷ đồng để vận hành đến khoảng cuối quý I. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, không có vốn để mua nguyên liệu đang là vấn đề với đạm Ninh Bình.
Thứ ba, đạm Ninh Bình cũng khó khăn về vốn vay ngân hàng. Lãnh đạo nhà máy đang đề nghị vay thêm để đại tu nhà máy, có vốn lưu động để sản xuất.
"Sau sự cố máy nén khí K1301 tại xưởng Khí hóa ngày 3/11/2017 khiến nhà máy dừng hoạt động, Ban lãnh đạo Nhà máy cần phải vận hành thật tốt, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên bởi cứ dừng một lần là nhà máy thiệt hại 8-10 tỷ đồng", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định ý nghĩa quan trọng của nhà máy đạm Ninh Bình với ngành công nghiệp Việt Nam, tạo ra sản phẩm nội địa, đóng góp vào ngành hóa chất và giúp phát triển ngành nông nghiệp. Mặc dù nhà máy còn tồn tại nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tích tụ qua nhiều giai đoạn khác nhau, đặt ra sự thách thức sự tồn tại. Song Bộ trưởng cho rằng "nguyên nhân khách quan thì chúng ta sẽ xử lý dần còn nguyên nhân đến từ chính bản thân nhà máy cần phải chủ động xử lý".
"Tôi rất vui khi chứng kiến nhà máy vận hành trở lại. Bài học kinh nghiệm rút ra đó là dừng máy là ta chết. Tương tự như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex), sai lầm của ta là cho dừng máy không vận hành do kinh phí vượt quá giá thành mà không nghĩ đến việc cắt giảm biến phí, đưa ra giải pháp tiếp cận thị trường tốt hơn", Bộ trưởng chia sẻ.
Thêm nữa, Bộ trưởng cho rằng, Nhà máy đạm Ninh Bình dù khó khăn cũng phải giữ lấy nguồn nhân lực hiện nay, làm chủ công nghệ, chủ động xây dựng phương án phát triển thị trường, có hệ thống phân phối đủ hiệu quả để bán sản phẩm không chỉ để giữ thị phần mà còn để phát triển thương hiệu...
“Chúng ta cần tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu không tự cứu mình bằng chất lượng, sản lượng thì không thể làm gì được", lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Hoá chất phải chỉ đạo, đôn đốc, rà soát đánh giá cùng nhà máy đạm Ninh Bình rút kinh nghiệm, đánh giá về công nghệ, thương mại, quản trị doanh nghiệp... để có đề án báo cáo Bộ cuối quý I/2018. Từ đó Bộ Công Thương sẽ làm việc với ngân hàng để có giải pháp.