Nghiên cứu sửa đổi, gỡ vướng về xác định giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, Luật Đất đai quy định giá đất bồi thường là giá đất cụ thể và giá đất cụ thể được xác định phù hợp với giá phổ biến trên thị trường theo 5 phương pháp xác định giá đất được quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-BTNMT năm 2014 quy định cụ thể các phương pháp định giá đất (TT 36) rất rõ ràng.
Ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế phát triển quỹ đất thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế phát triển quỹ đất thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tuy nhiên, thực tế một số địa phương khi áp dụng các phương pháp định giá còn khó khăn, vướng mắc do thông tin đầu vào không đầy đủ; kết quả định giá chưa thống nhất giữa các cơ quan với nhau, làm cho việc xác định nghĩa vụ tài chính của một số dự án bị chậm. Sắp tới, Bộ TN&MT tiếp thu khi sửa đổi Luật Đất đai cùng với các văn bản hướng dẫn Luật cho rõ hơn, nhất là vấn đề xác định giá đất.

Hiện Bộ TN&MT đang rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định về định giá đất. Theo kiến nghị của địa phương, các địa phương muốn dùng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để đỡ tranh cãi. Tuy nhiên, Bộ TN&MT còn cần nghiên cứu, xin ý kiến thêm của chuyên gia, nhà khoa học, vì các phương pháp định giá hiện nay được cho rằng phù hợp thông lệ quốc tế nhưng khi áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam do dữ liệu đầu vào không tin cậy dẫn đến kết quả không được như mong đợi.

Bộ TN&MT cũng đang nghiên cứu dự kiến đưa vào Nghị định sửa một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai một điều quy định trong trường hợp áp dụng nhiều phương pháp để tính giá đất thì cho phép địa phương lựa chọn phương pháp và lấy phương pháp nào có kết quả cao nhất, để tính thu ngân sách và tính giá đất bồi thường cho người dân.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn hiện nay khi giải phóng mặt bằng là đất đai có nguồn gốc phức tạp, phải xác định nguồn gốc đất. Vấn đề này có nguyên nhân do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý đất đai. Nguồn thu từ đất rất lớn nhưng đầu tư trở lại cho công tác quản lý đất đai, cho đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận ở nhiều địa phương còn hạn chế. Nếu có hồ sơ địa chính rõ ràng, giấy chứng nhận rồi thì rất dễ xác định nguồn gốc đất…

Chuyên đề