Nghịch lý giá gạo tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu giảm lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường xuất khẩu đang thuận lợi với giá bán và nhu cầu đều tăng cao nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn, chủ yếu do giá thu mua nguyên liệu và chi phí lãi vay.
Nhu cầu và giá gạo xuất khẩu dự kiến sẽ ở mức cao từ nay đến cuối năm. Ảnh: Song Lê
Nhu cầu và giá gạo xuất khẩu dự kiến sẽ ở mức cao từ nay đến cuối năm. Ảnh: Song Lê

Giá gạo xuất khẩu tăng gần 40% so với đầu năm

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam như gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đang tiếp tục xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 8/2023. Tính đến ngày 11/8/2023, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu ở mức 638 USD/tấn, giá xuất khẩu gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu đã tăng hơn 12% so với cuối tháng 7/2023 và tăng khoảng 40% so với cuối năm 2022.

Giá gạo liên tục tăng từ đầu năm đến nay trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy. Fitch Solutions - một tổ chức thống kê lớn tại Mỹ - dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004.

Đà tăng của giá gạo mạnh hơn khi bước sang đầu quý III/2023, Ấn Độ - quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới năm 2022 với hơn 25% thị phần (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA) - ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, làm dấy lên lo ngại các quốc gia khác cũng có thể ban hành lệnh hạn chế tương tự nhằm ngăn tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa. Việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị chấm dứt càng làm mối lo ngại về an ninh lương thực tại nhiều quốc gia bị đẩy lên cao.

Bối cảnh thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá và nhu cầu đều ở mức cao giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam thu về những kết quả tích cực.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu và giá gạo sẽ ở mức cao từ nay đến cuối năm do nguồn cung gạo và nhiều loại lương thực khác trên toàn cầu bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ cao ở tất cả các thị trường.

Tình hình thị trường thuận lợi nhưng tình hình kinh doanh của các DN xuất khẩu gạo vẫn đang đối mặt không ít khó khăn. Nhiều DN báo lợi nhuận nửa đầu năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí báo lỗ.

Thực cảnh doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Báo cáo tài chính của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) cho biết, trong quý II/2023, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 111% so với quý II năm ngoái. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 4,1%. Khấu trừ các chi phí, Gạo Trung An báo lỗ sau thuế 7,9 tỷ đồng trong quý II/2023, ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên sau nhiều năm. Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu thuần tăng 46%, đạt 2.513 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Gạo Trung An chỉ vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm gần 99% so với nửa đầu năm 2022. Với kết quả này, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng đề ra cho năm nay là thách thức lớn với Gạo Trung An.

Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 đạt 343,4 tỷ đồng, gấp 2,46 lần nửa đầu năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế riêng quý II là 424,6 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu là khoản lãi đột biến 326,9 tỷ đồng trong khoản mục công ty liên kết khi Tập đoàn đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào Công ty CP Lương thực Lộc Nhân sau khi Tập đoàn sở hữu 49% vốn trong quý II/2023. Trước đó, Tập đoàn báo lỗ sau thuế 81 tỷ đồng trong quý I/2023 dù doanh thu tăng mạnh.

Trong nửa đầu năm nay, mặc dù mảng lương thực - gạo của Tập đoàn Lộc Trời mang về 4.220 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 69% vào cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn nhưng biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh này khá mỏng, chỉ 2,91%, khiến lợi nhuận gộp thu về chỉ 123 tỷ đồng, đóng góp 23,4% cơ cấu lợi nhuận gộp hợp nhất.

Bên cạnh các DN giảm lợi nhuận, Công ty CP Xuất khập khẩu An Giang báo lỗ 56,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay với 2 quý thua lỗ liên tiếp. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) - một trong những tên tuổi xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước báo doanh thu thuần 11.337 tỷ đồng nửa đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ 6,5 tỷ đồng.

Doanh thu của các DN tăng trưởng theo giá và nhu cầu tăng cao trên thị trường xuất khẩu, trong khi lợi nhuận không cùng chiều được đánh giá do nguồn cung lúa gạo đến từ diện tích vùng trồng của các DN còn nhỏ. Nguồn cung gạo cho các hợp đồng xuất khẩu chủ yếu được thu mua từ nông dân. Điều này dẫn đến hệ quả là khi giá gạo tăng, giá thu mua trên thị trường có khi còn cao hơn giá hợp đồng xuất khẩu mà DN đã ký trước đó.

Với các hợp đồng xuất khẩu gạo có giá trị lớn, việc DN sử dụng nguồn vốn chủ yếu là vốn vay ngân hàng khiến chi phí lãi vay ở mức cao.

Tại Tập đoàn Lộc Trời, dư nợ vay ngắn hạn đã tăng 3.122 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, dư nợ vay ngắn hạn đến cuối quý II/2023 lên tới 6.870 tỷ đồng. Chi phí lãi vay sau nửa đầu năm là 274 tỷ đồng, gấp gần 3 lần nửa đầu năm ngoái.

Tại Vinafood II, số dư nợ vay đến cuối quý II/2023 ở mức 4.264 tỷ đồng, tăng 1.704 tỷ đồng so với đầu năm, gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động. Chi phí lãi vay của Vinafood II 6 tháng đầu năm 2023 là 177,5 tỷ đồng, tăng 48% so với nửa đầu năm ngoái. Với Gạo Trung An, chi phí lãi vay nửa đầu năm nay lên đến 64 tỷ đồng, tăng 68% so với nửa đầu năm 2022.

Nợ vay lớn không chỉ khiến các DN gánh chịu thêm chi phí lãi vay, mà còn phải đối mặt rủi ro thu xếp dòng tiền trả nợ ngân hàng nếu như quá trình thu hồi vốn từ khách hàng, đối tác bị ngưng trệ.

Chuyên đề