Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngẫm về Đạo làm giàu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ năm 2005, "Ngày Doanh nhân Việt Nam" chính thức được tổ chức vào ngày 13/10 hàng năm, theo Quyết định số 990/2004/QĐ-TTg được Thủ tướng Phan Khải ban hành. Với doanh nhân, đó là một ngày vui xen lẫn những lo toan của một tầng lớp xã hội vẫn đang trên đường tự nhận thức và khẳng định giá trị về mình.
Dương Trung Quốc - Nhà sử học

Dương Trung Quốc - Nhà sử học

Giữa năm 2005, tôi được tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Hoa Kỳ. Nhận ra tôi là người đã cùng VCCI viết kiến nghị về việc xác lập "Ngày Doanh nhân Việt Nam" (gần như đồng thời với kiến nghị của các doanh nhân TP.HCM), Thủ tướng gặp và nói với tôi đại ý: Ngày đó có rồi (Thủ tướng đã ký ngày 20/9/2004), nhưng vấn đề tiếp theo là phát huy Ngày Doanh nhân như thế nào để doanh nhân đỡ khổ và phát triển bền vững, chứ đừng chỉ để liên hoan chúc tụng lẫn nhau.

Ngày 13/10/2005 - Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên được tổ chức ở nhiều nơi trên cả nước. Tôi có mặt tại TP.HCM, chứng kiến sự hồ hởi, vui mừng khi lần đầu tiên giới doanh nhân (nhất là các bạn trẻ) được gặp nhau, được gặp và lắng nghe các nhà quản lý cũng như các tầng lớp xã hội cảm nhận về vị thế cùng những đóng góp của doanh nhân - ngày xưa Cụ Hồ gọi mộc mạc là "giới công thương".

Tại sự kiện đó, trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nói cái ý rằng: "Ngày Doanh nhân" là một ngày vui, nhưng vấn đề là 364 ngày còn lại như thế nào. Nếu coi giới doanh nhân là "chiến sĩ” trên thương trường thì ngoài những kẻ "phản bội" (do làm ăn gian dối, buôn lậu, vi phạm pháp luật…) phải loại bỏ, khi xuất hiện những "anh hùng" phải được tôn vinh, thì chắc chắn cũng có không ít "thương binh" và cả "liệt sĩ" nữa. Bởi lẽ, lịch sử đã chứng kiến, chỉ cần một sai sót, lỡ lầm, nhất là của bộ máy quản lý hay xây dựng pháp luật, chính sách… thì cũng có thể "ngả rạ" không ít “chiến sĩ” trên thương trường.

Năm nay, chúng ta tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ 17, tôi muốn chia sẻ đôi dòng suy nghĩ từ "buổi ban đầu lưu luyến" ấy, để chiêm nghiệm lại thời gian gần 2 thập kỷ. Thương trường đã có rất nhiều thay đổi lớn lao, nhưng vẫn còn không ít vấn đề trăn trở từ cả trăm năm trước, nay vẫn còn trăn trở…

Sau 17 năm Việt Nam có Ngày Doanh nhân, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe có người hỏi: Doanh nhân Việt Nam có tự bao giờ? Nói vui thì từ thời ông, bà Mai An Tiêm rơi vào hoàn cảnh bĩ cực bị đầy ra đảo hoang, nhưng trong hoàn cảnh đó đã biết nắm bắt cơ hội khi phát hiện ra “sản phẩm mới” là quả dưa hấu, rồi nhờ lao động cần cù và tìm cách khắc tên vào sản phẩm làm thương hiệu, dùng sóng biển tiếp thị đến với thị trường..., nên cuối cùng đã đoàn tụ được gia đình, đồng thời trở nên giàu có. Sự giàu có không chỉ cho mình mà cho cả một vùng đất, vốn là hoang đảo. Đó là những phẩm chất của một doanh nhân!

Truyền thuyết về Mai An Tiêm nói lên nhiều khát vọng, trong đó có khát vọng làm giàu của người Việt ta xưa. Đó cũng là khát vọng của một cư dân vốn khép kín mình trong luỹ tre làng, quẩn quanh với mảnh ruộng và chợ quê..., muốn khám phá những điều mới mẻ. Cho dù trong lịch sử có nhắc đến tướng quân Trần Quang Khải có một thời đi bán than, đến dòng dõi vị anh hùng Nguyễn Huệ vốn là thương lái trầu cau..., nhưng phải khẳng định rằng, cho đến cuối thế kỷ XIX, ở nước ta vẫn chưa có một tầng lớp nào đáng gọi là doanh nhân. Chính sách kinh tế thời thuộc địa làm xuất hiện một lớp người hoạt động ngoài lĩnh vực nông nghiệp nhờ đó tổ chức sản xuất và tích luỹ vốn liếng, trong thuật ngữ chính trị gọi là tư sản, còn xã hội ta thì gọi họ là các nhà công thương. Đó là cách gọi mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong bức thư “Gửi các nhà công thương” và hô hào lập “Hội Công thương cứu quốc”.

Cách đây trăm năm, bên cạnh sự nhạy bén của một số người vốn có lợi ích gắn với chế độ thực dân như quan lại, thông ngôn..., học cách kinh doanh theo kiểu mới, có một sự hình thành về ý thức trước khi xuất hiện một đội ngũ những người gắn việc làm giàu với tinh thần Duy Tân cứu nước. Dân ta tôn cụ Cử Lương Văn Can là Tổ sư của “Đạo làm giàu”. Cụ bảo: "Một đất nước muốn mạnh về quân sự, hiệu quả về chính trị cần có nền tảng vững vàng về kinh tế, mỗi gia đình, mỗi người dân đều sung túc, no đủ”. Với doanh nghiệp, doanh nhân, cụ Lương Văn Can cho rằng, làm kinh doanh là tạo ra lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó không được đi ngược với lợi ích cộng đồng. Cụ nêu triết lý: "Nhà buôn cần có đủ thương đức, thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới". Cho dù ở thời nào, sự gian dối, lọc lừa trong kinh doanh, không sớm thì muộn sẽ bị tẩy chay và loại khỏi thương trường.

Với sự cổ xuý của phong trào Duy Tân, nhiều người có học vị bỏ ghế làm quan để đi buôn, hay mở doanh nghiệp. Điển hình thành công có Công ty Nước mắm Liên Thành do một số nhà Duy Tân ở phía Nam khởi sự. Chính công ty này đã mở Trường Dục Thanh, rồi tài trợ cho lớp trẻ “Đông Du”, góp phần giúp cụ Phan Châu Trinh qua Pháp khảo sát và Nguyễn Tất Thành khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước. Có thể nói, thương hiệu Nước mắm Liên Thành còn tồn tại đến hôm nay là thương hiệu lâu đời nhất nước mình...

Ngót nửa đầu của thế kỷ XX cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đã có một tầng lớp doanh nhân, nhưng chưa thể gọi là doanh nhân. Tính chất phụ thuộc và bị chèn ép khiến sự phát triển của tầng lớp này bị què quặt, thậm chí “bất đắc kỳ tử”. Đó cũng là lý do vì sao tầng lớp này đã hồ hởi đón nhận Cách mạng tháng Tám và dấn thân cùng Cách mạng. Tuần lễ Vàng, Hội Công thương Cứu quốc, lời cam kết Chính phủ đứng bên cạnh ủng hộ giới công thương trong lá thư ngày 13/10/1945 của Chủ tịch nước... là những bằng chứng cho nhận định này.

Thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt lên vai tầng lớp doanh nhân non trẻ những trọng trách rất lớn. Ảnh: Lê Tiên

Thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt lên vai tầng lớp doanh nhân non trẻ những trọng trách rất lớn. Ảnh: Lê Tiên

Tầng lớp doanh nhân hôm nay thực sự mang tên Doanh nhân Việt Nam còn rất trẻ, trưởng thành cùng với công cuộc Đổi mới chưa đầy 2 thập kỷ, nhưng hành trang truyền thống duy nhất luôn là tinh thần yêu nước và ý chí tự chủ dân tộc. Trong hành trang ấy, đương nhiên còn có cả những ký ức buồn của một thời đã qua của lớp doanh nhân tiền bối, khiến không khỏi vương vấn với những trăn trở được nhân lên bởi không ít tác động thăng trầm trong chính sách cùng những di chứng quan liêu trong bộ máy nhà nước và cả trong nhận thức xã hội...

Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm có một ngày 13/10 để toàn xã hội chia vui và tôn vinh doanh nhân. Ngày ấy có rất nhiều hoa, nhiều diễn văn, xã luận và những lời chúc tụng..., nhưng 364 ngày còn lại, doanh nhân rất cần sự cổ vũ thiết thực bằng việc làm, bằng đường lối, chính sách cụ thể để bớt đi những vất vả và rủi ro trên thương trường. Chỉ một văn bản ban hành sai lệch, một sự không đồng bộ trong chính sách cũng có thể khiến nhiều dự án bị phá sản. Chỉ một tin đồn hay tin tức đưa ra chưa được kiểm chứng có thể bóp chết một thương hiệu, hay làm tan hoang giá trị doanh nghiệp trên sàn.

Khi đã ví doanh nhân ngày nay là những “chiến sĩ xung kích thời bình” thì đừng quên rằng, tính khắc nghiệt của thương trường cũng không kém chiến trường. Sẽ có những doanh nhân thành đạt, thậm chí trở thành Anh hùng lao động, nhưng cũng có không ít người phải thải loại, vì phản bội hay phạm pháp. Phần khác và có lẽ là rất nhiều, đó là các doanh nhân “thương binh” hay “tử sĩ”, chỉ vì những sai sót không thuộc về mình, đôi khi vì một chữ ký, một quyết định sai của những người có quyền lực hay một rủi ro khách quan, ngoài ý muốn…

Với doanh nghiệp, doanh nhân, cụ Lương Văn Can cho rằng, làm kinh doanh là tạo ra lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó không được đi ngược với lợi ích cộng đồng. Cụ nêu triết lý: "Nhà buôn cần có đủ thương đức, thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới". Cho dù ở thời nào, sự gian dối, lọc lừa trong kinh doanh, không sớm thì muộn sẽ bị tẩy chay và loại khỏi thương trường.

Suy ngẫm đa chiều để thấy, sự phân tầng cũng là cái phận và cái mệnh của giới doanh nhân trong mọi thời đại. Vấn đề là làm sao để nuôi dưỡng ngọn lửa khát vọng trong giới doanh nhân, gắn kết doanh nhân chung vai cùng đất nước trong cơn chuyển vần của thời đại. Với Việt Nam, thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế sâu rộng này đang đặt lên vai tầng lớp doanh nhân non trẻ những trọng trách rất lớn: Làm thế nào để không tụt hậu trên thương trường? Làm thế nào để tạo giá trị mới và góp sức cho các mục tiêu phát triển đất nước? Nhân Ngày Doanh nhân năm nay, lật mở trang sách cũ, đọc lại những nhận định của cụ Cử Lương Văn Can viết cách nay ngót cả thế kỷ, vẫn thấy còn nguyên một nỗi niềm đau đáu: "Ta không có thương phẩm, không có thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không biết tiết kiệm và khinh hàng nội hóa". Đó là 10 điểm yếu trong buôn bán của nước ta mà Lương Văn Can đã chỉ ra. Nếu không thoát khỏi tình trạng đó thì năng lực cạnh tranh, sức mạnh của một nền kinh tế không còn.

Cách đây cả trăm năm, cụ Lương Văn Can khuyên các nhà buôn cần biết dùng đồng tiền kiếm được để phục vụ xã hội. Nhìn lại cuộc đời của cụ, có thể thấy đó là một minh chứng sống động: Đồng tiền tích cóp từ việc kinh doanh đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân. Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can thời ấy, nay được định nghĩa là "trách nhiệm xã hội" của doanh nghiệp, doanh nhân.

Đã đủ một thế kỷ nếm trải nhiều thử thách thăng trầm, nay đã có được điều kiện thuận lợi chưa bao giờ có trong lịch sử, các bạn doanh nhân hãy thử soi mình vào “Đạo làm giàu” mà cụ Cử Lương Văn Can để lại, để tự vấn và tìm cho mình con đường phấn đấu vươn lên, cho tương lai chính mình và tương lai đất nước.

Chuyên đề