Ngành bán lẻ: Làn gió thuận - nghịch trong những tháng cuối năm

(BĐT) - Theo Vietnam Report, trong phần còn lại của năm nay, nhìn chung, các áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ khá tương đồng với nửa đầu năm đã qua. Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể một sớm một chiều được giải quyết và tiếp tục là hai mối lo chính. Trong khi đó, "sức nóng" từ môi trường cạnh tranh trong ngành thể hiện qua các cuộc chiến giá nửa đầu năm dù có dịu bớt trong nửa cuối, song vẫn thuộc top 3 thách thức lớn nhất.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Diễn biến trên thị trường cho thấy, sức ép lên tỷ giá gia tăng trong thời gian gần đây, với tác động từ sự ngược chiều của chính sách tiền tệ trong và ngoài nước cũng như thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu. Trước tình trạng này, 42,9% số doanh nghiệp bán lẻ được Vietnam Report khảo sát bày tỏ lo lắng và nhận định biến động tỷ giá là khó khăn lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, biến động tăng cao đột ngột của thị trường ngoại hối được dự báo chỉ mang tính chất ngắn hạn. Chênh lệch lãi suất nội - ngoại tệ sẽ dần thu hẹp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và các yếu tố nội tại của Việt Nam như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tương đối ổn định, cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến nay ước tính xuất siêu 16,26 tỷ USD và tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi.

Theo Vietnam Report, dù vẫn có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao hay lượng hàng tồn kho lớn, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá đây là những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong nửa cuối năm đã giảm so với 6 tháng đầu năm. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kỳ được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống trong 2 quý cuối năm, nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện khi nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng.

Top 6 khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Top 6 khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Có thể nói, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng cho kỳ vọng vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 của các doanh nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gánh nặng tiêu dùng sẽ không chỉ được giải tỏa tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng tăng tốc từ nửa cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cải thiện bức tranh kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng.

Xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ.

Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học. Dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn. Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.

Khuynh hướng tiêu dùng

Trong bối cảnh thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua, bất kỳ “nước cờ” nào của các doanh nghiệp bán lẻ cũng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng và khả năng xác định nhạy bén các xu hướng mới.

Trong khi đó, biến động về điều kiện kinh tế - xã hội trong và ngoài nước giai đoạn vừa qua, cùng với tốc độ nhanh và mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự thay đổi về nhân khẩu học của tầng lớp tiêu dùng tạo nên nhu cầu ngày càng mở rộng và đa dạng, có thể kéo theo những tác động lớn đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ.

Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ, tháng 8/2023

Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ, tháng 8/2023

Sự gia tăng áp lực tài chính thời gian qua đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc hơn, áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để tiết kiệm chi phí, song lý trí hơn trong việc đánh đổi giữa giá cả và các thuộc tính khác của sản phẩm. Kết quả khảo sát người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 8/2023 của Vietnam Report cho thấy, khía cạnh về chất lượng sản phẩm (53,4%), sự đa dạng hàng hóa (47,2%) và danh tiếng của các nhà bán lẻ (41,5%) là những ưu tiên hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua hàng, theo sau là các chương trình ưu đãi (37,3%) và vị trí địa lý của cửa hàng (34,7%).

Thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào, giá cả luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng. Trong các giai đoạn khó khăn, yếu tố giá cả càng được chú trọng và là vấn đề nhạy cảm với sức mua. Không những thế, với việc ngày càng có nhiều lựa chọn, người tiêu dùng không chỉ so sánh giá của các sản phẩm khác nhau mà còn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất từ nhiều cửa hàng khác nhau và trên các kênh mua hàng khác nhau. Do đó, dù không là ưu tiên số 1 nhưng việc có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại, hỗ trợ người tiêu dùng vẫn nằm trong top 5 các ưu tiên khi lựa chọn nơi mua sắm của khách hàng.

Mua sắm đa kênh và cuộc cách mạng thương mại xã hội

Một điểm đáng chú ý khác là người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt và mong đợi sự nhất quán và liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến và tại cửa hàng. Trong khi khách hàng có nhu cầu cảm nhận, kiểm tra trực tiếp và sở hữu nhanh chóng sản phẩm cũng như tương tác, kết nối với xã hội và cảm nhận không gian công cộng, họ cũng bị thu hút bởi sự thuận tiện trong việc tiếp cận đa dạng hàng hóa và linh hoạt thời gian… mà mua sắm trực tuyến mang lại.

Mối tương quan trực tiếp giữa sự hiện diện thực tế và kỹ thuật số của nhà bán lẻ được phản ánh khi ngày càng nhiều người tiêu dùng cho biết họ đã từng trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng thực tế của một thương hiệu và sau đó truy cập vào website hoặc kênh bán hàng online của thương hiệu đó và ngược lại. Điều này khá tương đồng với một nghiên cứu của ICSC cho rằng thương mại điện tử và bán lẻ tại cửa hàng bổ sung cho nhau và thường tạo ra “hiệu ứng hào quang”. Cụ thể, việc mở một cửa hàng thực tế mới tại một thị trường giúp tổng lưu lượng truy cập vào trang web của nhà bán lẻ đó tăng trung bình 37% và tăng tỷ lệ lưu lượng truy cập web trong thị trường đó lên trung bình 27%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đánh giá cao các cửa hàng bán lẻ cho phép đặt hàng trực tuyến và sau đó nhận tại cửa hàng trực tiếp.

Xét riêng về kênh mua sắm trực tuyến, rõ ràng, với tỷ lệ người sử dụng Internet tăng lên đến mức 79,1% dân số, trung bình mỗi người dành hơn 6 tiếng theo dõi nội dung trên mạng (theo Báo cáo Digital 2023: Vietnam), không khó để lý giải sự phát triển ấn tượng của kênh bán hàng này. Khi phân tích thứ tự ưu tiên đối với kênh mua hàng theo danh mục sản phẩm, thương mại điện tử đã tạo được sự thu hút mạnh mẽ và thậm chí nhỉnh hơn về tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích, trong các danh mục thiết bị số (67,9%); thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh (54,9%) hay sách báo, tạp chí, văn phòng phẩm (52,8%).

Chiến lược thích ứng

Theo guồng quay nhanh của môi trường kinh doanh với tác động mạnh mẽ từ những tiến bộ công nghệ, gia tăng cạnh tranh, bùng nổ dữ liệu và thị hiếu mới của khách hàng, doanh nghiệp bán lẻ cũng chủ động có những động thái xoay trục chiến lược để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.

Top 6 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Top 6 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Với mục tiêu củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.

Nhận thức rằng sức chi tiêu yếu vẫn là một vấn đề lớn trong thời gian tới, 63,9% số doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua.

Với điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực.

Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu. Tuy có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành. Do đó, dù có tỷ lệ doanh nghiệp ưu tiên giảm 7,7% so với khảo sát năm ngoái, chiến lược này vẫn duy trì vị trí trong top 3 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, chiến lược nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. 83,3% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết dự kiến tăng phân bổ ngân sách cho marketing nói chung (tăng 14,1% so với năm trước). Trong đó, các hạng mục được nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu nhất liên quan đến marketing kỹ thuật số (digital marketing), quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng.

Chuyên đề