Các doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp xấp xỉ 26% tổng dư nợ vay đối với phân khúc khách hàng SME của VPBank |
Trước đó, vào tháng 11/2018, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã bình chọn VPBank là một trong 3 ngân hàng có dịch vụ SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) tốt nhất châu Á.
Dù chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp, các SME tại Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn khó tiếp cận với dịch vụ tài chính - ngân hàng. Một phần là do chính các ngân hàng cũng chưa mặn mà lắm với các doanh nghiệp nhỏ, do các khoản vay nhỏ mà chi phí lại lớn. Ở khía cạnh ngược lại, chính năng lực quản trị yếu kém, hoạt động có nhiều điểm chưa minh bạch đã khiến SME trở thành những khách hàng có tính rủi ro cao đối với ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2012, VPBank đã xây dựng chiến lược đồng hành cùng với các SME. Cho tới nay, VPBank đã phục vụ hơn 75.000 SME, chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Ngân hàng cũng đã có 81 trung tâm chuyên biệt phục vụ nhu cầu của các SME trên toàn quốc.
Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận các SME theo cách truyền thống giống như nhiều ngân hàng khác thì có lẽ VPBank đã không đạt được thành công như vậy. Theo đánh giá của The Asian Banker, các yếu tố đưa VPBank trở thành ngân hàng phục vụ SME tốt nhất tại Việt Nam nằm ở sự sáng tạo và tỷ lệ tăng trưởng khách hàng tốt.
Điểm sáng của sự sáng tạo trong phân khúc SME chính là sự ra đời của sản phẩm riêng dành cho các SME do phụ nữ làm chủ. Theo một cuộc khảo sát của IFC, Việt Nam hiện có gần 600.000 SME, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm 21%. Hơn một nửa trong số doanh nghiệp do nữ làm chủ đó có quy mô siêu nhỏ và thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Ngoài nhu cầu vốn, họ cũng có nhu cầu về việc được nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và mở rộng kinh doanh. Vì thế, giải pháp của VPBank bao gồm các hoạt động hỗ trợ phi tài chính và gói sản phẩm tài chính đã được thiết kế phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo sự dễ dàng tiếp cận cho các doanh nghiệp.
Tới cuối năm 2018, đã có hơn 1.400 doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ phi tài chính của VPBank. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đã đóng góp xấp xỉ 18% trong tổng số khách hàng và 26% tổng dư nợ vay đối với phân khúc khách hàng SME của VPBank.
Sự sáng tạo của VPBank nhằm đáp ứng nhu cầu của các SME trong năm vừa qua còn thể hiện ở sản phẩm “Tài trợ hóa đơn VAT”. Đây là sản phẩm tài chính giao thoa giữa hình thức vay vốn có tài sản bảo đảm và không tài sản bảo đảm, với thủ tục vay vốn được tinh giản tối đa nhằm giúp các doanh nghiệp có thể lo được nguồn vốn nhanh chóng cho những đơn hàng trong ngắn hạn.
Bên cạnh hai sản phẩm mới kể trên, các gói sản phẩm cho vay tín chấp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-SME) tiếp tục được ngân hàng đẩy mạnh. Đây cũng là sản phẩm mang lại sự khác biệt cho VPBank trong phân khúc SME, do các sản phẩm này không đòi hỏi phải có tài sản thế chấp - yếu tố được coi là rào cản lớn khiến đa số các SME khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.
Không kém phần quan trọng đưa VPBank trở thành ngân hàng phục vụ SME tốt nhất, theo The Asian Banker, quá trình chuyển đổi số hóa tại VPBank đã đóng góp đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng, cũng như tạo ra một sân chơi mới thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng SME. “Trái tim” của quá trình này là sự ra đời của nền tảng trực tuyến SME Connect. Nền tảng này hoạt động như một diễn đàn của cộng đồng SME nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những chủ đề vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Thông qua đó, chính các SME có thể hỗ trợ, hợp tác với nhau và VPBank cũng thấu hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn, với chất lượng tốt hơn.