Ngân hàng Nhà nước nói gì về những quan ngại tín dụng?

(BĐT) - Bất động sản là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng không có nghĩa là hạn chế cho vay hoàn toàn. Đề xuất về lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý trong điều kiện phát triển của kinh tế Việt Nam. Đó là thông điệp về chính sách tín dụng được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tại cuộc họp báo ngày 13/6/2019.
Tăng trưởng tín dụng để đầu tư kinh doanh dự án bất động sản có giảm tốc, nhưng tín dụng cho vay để mua bất động sản thông qua cho vay tiêu dùng lại tăng. Ảnh: Tường Lâm
Tăng trưởng tín dụng để đầu tư kinh doanh dự án bất động sản có giảm tốc, nhưng tín dụng cho vay để mua bất động sản thông qua cho vay tiêu dùng lại tăng. Ảnh: Tường Lâm

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng với lĩnh vực rủi ro

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát. 

Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%. Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Tín dụng bất động sản có chọn lọc

Trước ý kiến cho rằng tín dụng bất động sản đang bị siết chặt dẫn đến tồn kho bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước nói: “Chủ trương là kiểm soát tín dụng bất động sản nhưng không phải là hạn chế hoàn toàn. Thay vào đó, dòng tín dụng vào bất động sản sẽ được chọn lọc theo các dự án đầu tư có hiệu quả, do các chủ đầu tư có năng lực thực hiện”.

Ông Hùng cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng cho vay trực tiếp để đầu tư kinh doanh dự án bất động sản có giảm tốc, nhưng tín dụng cho vay để mua bất động sản thông qua hình thức cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng lại tăng. Hay nói cách khác, dư nợ tín dụng của các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản không cao, nhưng dư nợ tín dụng của người dân mua chung cư, mua bất động sản lại tăng.

Cũng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có 2 điểm sửa đổi đáng chú ý là: thay đổi hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo đó, hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%. NHNN cũng áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất và đáp ứng một trong những điều kiện: phục vụ hoạt động kinh doanh, khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản vay cá nhân mua nhà có giá trị nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.

Giải thích về nội dung này, ông Hùng nhấn mạnh: “Các giới hạn đó nhằm hướng tới việc tạo điều kiện để các chủ đầu tư chú trọng nhiều hơn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận mua nhà thay vì tập trung quá mức vào các bất động sản cấp trung và cấp cao. Đây là phân khúc sản phẩm đang thiếu trên thị trường hiện nay”.

Về đề xuất giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo ông Hùng, là phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, đa dạng hoá nguồn cung ứng vốn cho cả nền kinh tế thay vì phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng.

Nêu quan điểm về điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói: “Trong hoạt động của ngân hàng, không chỉ cần hạn chế rủi ro tín dụng mà còn rất cần quan tâm đến rủi ro thanh khoản. Tức là, hệ thống ngân hàng phải đảm bảo nguồn vốn cân đối theo kỳ hạn. Nếu một ngân hàng gặp rủi ro về thanh khoản thì có thể lan truyền và gây nguy cơ cho cả nền kinh tế. Do đó, chỉ tiêu về vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là rất quan trọng”.

Chuyên đề