Ngân hàng hỗ trợ quản lý thuế: Cân nhắc các giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin liên quan đến người nộp thuế như số tài khoản, lịch sử giao dịch là các thông tin mật của khách hàng được ngân hàng quản lý theo quy định của pháp luật. Do đó, việc kết nối, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương... liên quan đến thông tin này cần được làm rõ giới hạn phạm vi, quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc khấu trừ và nộp thay thuế cho người nộp thuế được coi là vượt quá phạm vi chức năng của các ngân hàng thương mại.
Các thông tin liên quan đến người nộp thuế là các thông tin mật của khách hàng được ngân hàng quản lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Lê Tiên
Các thông tin liên quan đến người nộp thuế là các thông tin mật của khách hàng được ngân hàng quản lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Lê Tiên

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Dự thảo).

Theo Dự thảo, ngân hàng là một trong những tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế, nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế. Điểm đáng ngại ở nội dung này là yêu cầu thông tin người nộp thuế được kết nối, trao đổi với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan.

VNBA cho rằng, các thông tin liên quan đến người nộp thuế là thông tin mật của khách hàng được ngân hàng quản lý theo quy định của pháp luật. Do đó, nội dung “kết nối, trao đổi với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan” cần được hướng dẫn cụ thể nhằm làm rõ giới hạn phạm vi, quy trình thực hiện… Việc này nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin người nộp thuế, xác định trách nhiệm của tổ chức, bộ phận, cá nhân tham gia khi thông tin người nộp thuế được cung cấp trái quy định.

Cũng theo quy định tại Dự thảo, trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, các ngân hàng thương mại Việt Nam có trách nhiệm: khấu trừ, nộp thay; nếu không thể khấu trừ, nộp thay thì phải theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hàng tháng gửi thông tin về Tổng cục Thuế; hàng tháng phải kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay.

VNBA cho rằng, bản chất hoạt động của ngân hàng là cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, thực hiện việc thu - chi trên tài khoản khách hàng căn cứ theo lệnh giao dịch của khách hàng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng không có chức năng, thẩm quyền và cũng không đủ năng lực để tham gia vào việc tính toán, phân tích các giao dịch, không thể giải quyết những khiếu nại, kiện cáo của khách hàng về thừa, thiếu, sai, đúng từ việc khấu trừ tiền để nộp thuế.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cơ quan soạn thảo cần quy định cách thực hiện thống nhất: “Khi cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản có liên quan. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế tiến hành các thủ tục tính toán, thu thuế theo quy định và chức năng của cơ quan thuế. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện trích tiền từ tài khoản khách hàng theo các quyết định khấu trừ, cưỡng chế… của cơ quan thuế”.

Ngoài ra, VNBA cũng yêu cầu làm rõ khái niệm “khấu trừ” và “nộp thay” tại Nghị định 126. Mặc dù không có định nghĩa về hai khái niệm này, tuy nhiên qua quá trình thực hiện thì có thể hình dung đối với “khấu trừ” là khi ngân hàng trừ tiền (ghi nợ) trên tài khoản của chủ tài khoản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nghĩa là khi tài khoản của chủ tài khoản có số dư, thì ngân hàng mới thực hiện được việc khấu trừ tương ứng.

Đối với “nộp thay”, hiện nay các ngân hàng không biết thực hiện như thế nào, cũng như không xác định được tính chất quan hệ, tư cách, trách nhiệm của các bên có liên quan trong giao dịch “nộp thay”, trừ trường hợp “nộp thay” trong quan hệ bảo lãnh mà ngân hàng là bên bảo lãnh.

Nếu như quy định “nộp thay” này không được làm rõ, ngân hàng rất dễ lâm vào hoàn cảnh bị cơ quan thuế xác định vi phạm nghĩa vụ theo Luật Quản lý thuế (vì không nộp thay). Nhưng nếu tiến hành nộp thì không đòi lại được số tiền đã “nộp thay” từ phía chủ tài khoản vì chủ tài khoản không đồng ý, trong khi bản chất quan hệ thu – nộp này đang là quyền và nghĩa vụ giữa cơ quan thuế và chủ tài khoản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng nội dung góp ý của VNBA là hợp lý, bởi các quy định đó thực tế đang khiến ngân hàng khó thực thi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước hết, về thông tin tài khoản cá nhân, đây luôn được coi là thông tin mật và chỉ được cung cấp cho bên thứ 3 khi được sự đồng ý của chủ tài khoản, hoặc theo lệnh của tòa án. Tương tự, nội dung “khấu trừ và nộp thay” cũng là vấn đề nan giải với các nhà băng, bởi họ không có chức năng phân tích xem giao dịch nào đến ngưỡng nộp thuế, mức nộp như thế nào. Hơn nữa, họ cũng không đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc này, đặc biệt trong bối cảnh cần hết sức tiết kiệm chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Chuyên đề