Năng suất lao động được cải thiện sẽ giúp GDP tăng trưởng cao hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.
Nhìn vào bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm 2018, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận xét, qua các số liệu kinh tế 9 tháng và dự kiến cả năm nhận thấy, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đang có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 8 năm gần đây.
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng, ông Phương cho rằng, so sánh trong mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) có một số chỉ tiêu cốt lõi của chất lượng tăng trưởng đã vượt mục tiêu của 5 năm, điển hình là tốc độ tăng trưởng của NSLĐ và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GDP. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Về NSLĐ, theo ông Phương, ước NSLĐ 9 tháng năm 2018 tăng 5,5%. “Đây là mức cao và cao hơn mức cùng kỳ năm 2017. Và nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực thì tốc độ tăng trưởng này được đánh giá thuộc diện cao”, ông Phương bình luận.
Sơ kết công tác cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT đánh giá, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt. Trong đó, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,35%), và đã đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27 (5,5 - 6% hàng năm). Nếu loại trừ ngành khai khoáng, thì tốc độ tăng NSLĐ tăng từ 3,8% năm 2011 lên 7,1% năm 2017.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận xét, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tăng trưởng NSLĐ Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Và chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp, và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn lại kết quả sơ kết cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu NSLĐ được cải thiện tốt hơn cùng với việc hoàn thành các mục tiêu cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vượt đáng kể mục tiêu đề ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, thời gian tới chúng ta cần thực hiện bổ sung 3 nhóm giải pháp lớn để nâng cao NSLĐ. Đó là giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế; giải pháp nâng cao NSLĐ cho khu vực doanh nghiệp. Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.