Nan giải nợ đọng doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 9.694 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới, trong khi ghi nhận 838 doanh nghiệp ngành này giải thể. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng có một thực tế là nợ đọng của các doanh nghiệp xây dựng rất lớn, nếu không có giải pháp tích cực để giải quyết, khối này sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn.
Phần lớn nhà thầu xây dựng đều có những khoản nợ khó đòi, bị chiếm dụng vốn. Ảnh: Lê Tiên
Phần lớn nhà thầu xây dựng đều có những khoản nợ khó đòi, bị chiếm dụng vốn. Ảnh: Lê Tiên

Trong số 6.398 doanh nghiệp xây dựng được Tổng cục Thống kê khảo sát mới đây, có 25,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II/2024 đến từ tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bên cạnh hai khó khăn lớn nhất là giá vật liệu tăng cao và không có hợp đồng xây dựng mới.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng HK Việt Nam - nhà thầu chuyên thi công, thương mại các sản phẩm chống thấm, sơn epoxy cho biết, phần lớn khoản nợ phát sinh từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc xác nhận công nợ được Công ty tiến hành hàng năm nhưng có những trường hợp đối tác không chịu thực hiện. Khi được yêu cầu thanh toán thì lấy lý do khó khăn về nguồn vốn hoặc chưa nhận được thanh toán từ chủ đầu tư. Trong trường hợp đối tác không có thiện chí thanh toán, Công ty đành phải tính đến phương án đưa vụ việc ra tòa.

Thực tế thời gian qua không ít vụ việc tranh chấp công nợ trong ngành xây dựng đã phải đưa ra giải quyết tại tòa án, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Trong một thông báo gần đây, Công ty CP Xây dựng 47 cho biết đang trong quá trình giải quyết tranh chấp công nợ với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Số dư công nợ phải thu tính đến cuối quý II/2024 là hơn 51 tỷ đồng. Công ty đã làm các thủ tục khởi kiện đối với Hợp đồng số 1382/2015/HĐKT-CC47. Ngày 8/7/2024, Tòa án TP. Quy Nhơn đã xử Công ty CP Xây dựng 47 thắng kiện, hiện đang chờ Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định phúc thẩm. Đối với Hợp đồng số 653/2016/HĐ-VSH-LD cũng với Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty đã khởi kiện tại VIAC, hiện đang chờ VIAC thu xếp thời gian phân xử, dự kiến trước ngày 31/12/2024.

Ngày 19/7, Công ty CP Xây dựng Coteccons đã nhận được quyết định của Tòa án nhân dân TP.HCM bác yêu cầu của Coteccons và yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện Phán quyết của VIAC ngày 2/1/2024. Theo đó, Coteccons phải thanh toán cho Công ty TNHH Boho Decor khoản tiền nợ gốc gần 22 tỷ đồng. Khoản công nợ 2 bên phát sinh trong giai đoạn 2019 - 2022 khi Boho Decor là nhà thầu phụ cho Coteccons về thiết kế, cung cấp và thi công hoàn thiện nội thất tại các công trình đầu tư xây dựng. Tháng 4/2023, Boho gửi đơn khởi kiện Coteccons lên VIAC.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn nhận được Thông báo số 01/PS-TBTA của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3 liên quan đến khoản công nợ phải thu giữa hai bên.

Đánh giá của doanh nghiệp ngành xây dựng về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý II/2024. Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đánh giá của doanh nghiệp ngành xây dựng về các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý II/2024. Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đức Long Gia Lai cho biết, Công ty có phát sinh khoản nợ đối với Lilama 45.3 gồm hơn 14,7 tỷ đồng nợ gốc và hơn 2,3 tỷ đồng lãi chậm thanh toán. Từ đó cho đến nay, Công ty đã có thiện chí, trả nợ cho Lilama 45.3 theo đúng cam kết. Cụ thể, trong quý I và quý II/2024, Đức Long Gia Lai trả cho Lilama 45.3 mỗi quý 1 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền đã thanh toán cho Lilama 45.3 là 6 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính bán niên 2024 vừa được một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng công bố cho thấy tình trạng nhiều khoản công nợ khó đòi lớn, tốc độ tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Đơn cử Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC đang ghi nhận hơn 1.288 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi từ các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Đối với Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn, nợ phải thu khó đòi đã tăng từ mức 47 tỷ đồng lên 93 tỷ đồng kể từ đầu năm 2021 đến nay. Nửa đầu năm 2024, nợ khó đòi của Công ty CP Sông Đà 5 đã tăng từ 12,2 tỷ đồng lên 27,3 tỷ đồng.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng chuyển đổi từ cơ chế đặt hàng theo kế hoạch của Nhà nước với các doanh nghiệp vốn nhà nước hay cơ chế giao thầu theo đơn giá nhà nước sang môi trường cạnh tranh theo phương thức đấu thầu cạnh tranh.

Chủ đầu tư cũng đa dạng hơn, từ chỗ thuần túy là đơn vị sử dụng vốn nhà nước đến nay có thêm các doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân. Mặc dù tính chất sở hữu khác nhau, nhưng có một tồn tại rất lớn là hành lang pháp lý, cơ chế áp dụng lại không khác nhau từ mẫu hợp đồng, quan hệ trách nhiệm, nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Đơn cử như cơ chế bảo lãnh trong hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu gồm bảo lãnh đấu thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh bảo hành, trong khi ở chiều ngược lại, chủ đầu tư không có bảo lãnh gì về khả thanh toán, khả năng tài chính chứng minh có đủ năng lực tài chính hoặc có ràng buộc trách nhiệm về công tác thanh toán. Các chủ đầu tư tư nhân tìm cách áp dụng tất cả cơ chế lâu nay chỉ áp dụng cho chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nhưng phần lớn việc thực thi lại không nghiêm túc, sòng phẳng. Do đó, đại đa số nhà thầu xây dựng đều lâm vào cảnh công nợ, bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn.

Tại văn bản gửi Thủ tướng, VACC kiến nghị các bộ, ngành cần xây dựng chế tài đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Cụ thể là cần điều chỉnh quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu theo nguyên tắc bình đẳng, cả hai bên phải có trách nhiệm với nhau. Nhà thầu bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư thì ngược lại chủ đầu tư cũng phải bảo lãnh thanh toán với nhà thầu. Chủ đầu tư nếu chậm thanh toán phải có cơ chế phạt lãi để bảo vệ nhà thầu.

Đối diện với thực tế nợ động lớn, nhiều doanh nghiệp phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên đến hơn 500 tỷ đồng trong năm 2023 đã khiến Công ty CP Thương mại SMC báo lỗ tới 925,3 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, SMC tiếp tục kinh doanh khó khăn khi doanh thu đạt 4.469 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp chỉ có 0,52 tỷ đồng. Chi phí tài chính vẫn ở mức cao 233 tỷ đồng, tăng 28,7%.

Phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 137,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 cũng khiến lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 54,2 tỷ đồng dù doanh thu chỉ giảm 5,2%. Trong năm 2023, Ricons đã phải trích lập tới 230,8 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Chi phí dự phòng phải thu khó đòi lớn đẩy Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào tình cảnh lỗ lớn trong năm 2022 với lợi nhuận âm 2.332 tỷ đồng và năm 2023 là 1.079 tỷ đồng. Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 tự lập của doanh nghiệp này cho biết đã có lãi trở lại 740,91 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng 292,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính tự lập và sau kiểm toán của Hòa Bình trong thời gian gần đây thường có sự sai khác.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư