Nắm vận hội, mở tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mùa xuân đầu tiên của thập niên mới cũng là thời điểm đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, được đánh dấu bằng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với niềm tự hào, niềm tin, khát vọng mãnh liệt vào tương lai thịnh vượng của đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Báo Đấu thầu những thành tựu của đất nước; những cơ hội, thách thức; những giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xin Bộ trưởng chia sẻ về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước ở thời điểm bước vào giai đoạn phát triển mới, những yếu tố thuận lợi và khó khăn đối với kinh tế Việt Nam?

Sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn rất đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao trong bối cảnh thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động được cải thiện rõ nét. Quy mô nền kinh tế hiện nay so với năm 1990 đã tăng lên hơn 40 lần. Tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế được cải thiện.

Riêng năm 2020, dù gặp muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19, nước ta vẫn đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công vừa duy trì tăng trưởng đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế nước ta theo GDP giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Không chỉ thành công về kinh tế, Việt Nam còn đạt được tiến bộ nhanh chóng về mặt xã hội. Tuổi thọ trung bình của người dân hiện nay đã tăng lên gần 74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước. Trong Báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Dù thành tựu là rất đáng tự hào, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, đối diện nhiều thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu. Nền kinh tế còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển; những thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng tăng lên. Trong khi đó, bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia được dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả cơ hội vượt lên lẫn thách thức bị tụt hậu nếu không bắt kịp...

Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” với sự định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế… đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Cùng với đó là những lợi thế to lớn từ sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội; vị trí địa - kinh tế hết sức thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào ở thời kỳ dân số vàng, tầng lớp thượng lưu đang phát triển. Bản thân Việt Nam là một thị trường rất lớn, là một nền kinh tế năng động trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

“Thành tích gần như độc nhất vô nhị của Việt Nam trong khủng hoảng Covid-19” như đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12/2020, cũng làm tăng uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo dư địa cho chúng ta vượt lên.

Với tầm vóc, vị thế, cơ hội và thách thức đan xen, con đường phát triển phía trước của đất nước được hoạch định như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước thềm xuân mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 - là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu phát triển đất nước cho giai đoạn đến năm 2030 cũng như tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Với mục tiêu đó, Việt Nam 2030 sẽ có bước phát triển vượt bậc, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; người dân được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, mức sống được nâng cao, trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, môi trường trong lành. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. HDI đạt trên 0,7, với tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi...

Mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045 được đặt ra trên cơ sở niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế của đất nước, vào đường lối lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sức mạnh nhân dân. Các mục tiêu được nghiên cứu kỹ lưỡng thời cơ, thách thức, bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới. Việc xác định mục tiêu cao sẽ giúp chúng ta nỗ lực phấn đấu gấp đôi, gấp ba; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh con người, sức mạnh dân tộc.

Để nắm được vận hội mới, mở con đường đi đến tương lai như đã hoạch định, giải pháp chính là gì, thưa Bộ trưởng?

Để đạt mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045, không có cách nào khác là phải duy trì mức tăng trưởng cao, liên tục. Các động lực để nền kinh tế đạt được thành tựu sau 35 năm Đổi mới đến nay đã bị giới hạn và khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì việc duy trì đà tăng trưởng cao càng khó khăn hơn, vì thế sẽ cần những động lực mới mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, phải đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn phát triển, tôi muốn nhấn mạnh một số quan điểm.

Về tư duy, để có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, cần có tư duy đột phá, khát vọng cao và tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ lớn, làm lớn, không bình bình, lựa chọn phương án an toàn. Khi có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, chúng ta sẽ có hành động hiệu quả.

Quy hoạch là quan trọng nhất mà các địa phương phải làm đầu tiên. Đi thẳng luôn là con đường nhanh nhất để đến đích. Một bản quy hoạch đúng sẽ giúp chúng ta xác định con đường đi và sau đó chỉ cần đi thẳng, không điều chỉnh khi rẽ trái khi rẽ phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí.

Trong sản xuất, thay đổi tư duy tối đa hóa giá trị thay vì tối đa hóa sản lượng, thay vì làm sao để làm ra được nhiều hơn, thì đi tìm đáp án cho câu hỏi “làm sao bán được với giá cao hơn”.

Trong đầu tư phát triển, không bó hẹp tư duy tầm nhìn bởi nguồn lực, mà cần có tầm nhìn xa, đầu tư ra tấm ra món, không trải mành mành, dồn nguồn lực cho những dự án lớn, có tầm chiến lược đối với các ngành trong một giai đoạn phát triển dài của đất nước. Nếu chọn một từ khóa cho giai đoạn 2021 - 2025, tôi chọn cụm từ “hạ tầng giao thông”, không có hạ tầng tốt chúng ta không thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế. Trong đó, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông cần quyết tâm chính trị cao nhất nối thông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Không thể chậm trễ, không thể để các cơ hội tiếp tục qua đi. Làm xong tuyến đường, kinh tế sẽ phát triển vượt bậc, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, tăng cường an ninh quốc phòng và 60% dân số được hưởng lợi. Tuyến đường ven biển cũng cần tập trung nguồn lực hoàn thành toàn bộ từ Quảng Ninh - Nghệ An, Tiền Giang - Cà Mau vòng lên Kiên Giang, vừa giúp ứng phó biến đổi khí hậu vừa mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối cảng biển, sân bay; đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.

Về nguồn lực, nếu có cách làm sẽ có nguồn lực. Quỹ đất chính là nguồn lực quan trọng, có cách làm sẽ khai thác được cho đầu tư phát triển.

Trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, chủ động lăn xả, nhiệt huyết, thật sự năng động, sáng tạo, coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Trước thềm năm mới, vận hội mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ dự cảm về tương lai tốt đẹp của đất nước?

Đối với năm 2021 - có thể coi là khoảng thời gian vàng, mang tính bước ngoặt của Việt Nam, để bứt phá, vượt lên bởi vì nhiều quốc gia đang và sẽ bị cuốn trong vòng xoáy của dịch bệnh, nợ công, chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì cơ hội không đến hai lần. Với một năm đầy khó khăn, thách thức như 2020 mà chúng ta đã vượt qua thành công, thì năm 2021 có niềm tin để bứt phá, đạt kết quả cao hơn năm 2020, tạo tiền đề, sức bật cho những năm tiếp theo tăng tốc.

Về con đường đi đến mục tiêu 2045, tôi muốn nhắc đến một nhân tố tinh thần được đưa vào Chiến lược, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại. Đây chính là động lực và nguồn lực không giới hạn cho phát triển trong giai đoạn mới; có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi đất nước đang ở bước ngoặt có tính lịch sử, cần huy động những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để tiếp tục bứt phá, vươn lên.

Tôi cho rằng điểm khởi đầu của tất cả các thành tựu là khát vọng. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước thực sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình dựng nước, giữ nước. Nhìn lại công cuộc Đổi mới đưa đến thành tựu hôm nay, có thể thấy, cũng được thôi thúc từ khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và con đường hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 sẽ đến từ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, từ tình yêu, từ niềm tự hào dân tộc, từ những nỗ lực cống hiến của mỗi người Việt Nam ngày hôm nay.

Trước thềm năm mới, vận hội mới, tôi tin rằng với với vị thế, tầm vóc hiện nay, với hướng đi đúng đắn đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vạch ra, ý Đảng lòng dân hòa nhập, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta sẽ tận dụng vận hội mới này để đưa đất nước đến với mục tiêu thịnh vượng. Tôi tin một dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách, mang tầm vóc lịch sử nhất định sẽ lập được những kỳ tích mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng của toàn dân tộc ta. Thịnh vượng của đất nước trong tương lai cũng chính là thịnh vượng của mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Chuyên đề