Năm mới, ước vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022 được dự báo còn không ít khó khăn, các doanh nghiệp nhất trí đồng lòng, bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình thực hiện tái cấu trúc, thích ứng và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”. Báo Đấu thầu trích đăng một số ý kiến thể hiện niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp trước thềm xuân mới.
Doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh khởi sắc trong năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh khởi sắc trong năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Cải cách thể chế sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế

Ông Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture

Nhà nước đang tập trung triển khai các giải pháp cải cách thể chế nhằm tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra môi trường đầu tư - kinh doanh cạnh tranh, minh bạch để thúc đẩy phát triển đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi chính sách pháp luật, góp phần cải cách thể chế để tạo sức bật cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Đây là việc làm thiết thực để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp đặt nhiều hy vọng và tin tưởng vào những đổi mới về thể chế, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng cũng sẽ tạo cơ hội để hồi sinh một số lĩnh vực, hình thành ngành nghề mới phù hợp, có thể thích ứng và linh hoạt trong các điều kiện kinh tế của năm 2022. Vấn đề nội tại của mỗi doanh nghiệp là phải thích ứng nhanh, kịp thời chuyển đổi số, tái cấu trúc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tận dụng tối đa các nguồn lực từ xã hội, các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển bền vững.

Sẽ có nhiều cơ hội trong năm 2022

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong

Hiện nay, Đảng và Chính phủ dành sự quan tâm lớn, dồn nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với một số công trình hiện đại như: đường bộ (đường bộ cao tốc, cầu lớn, hầm), cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Điều này tạo ra nhiều cơ hội công việc cho nhà thầu xây dựng trong năm 2022, người lao động sẽ không lo thiếu việc làm, nhất là trong bối cảnh Nhà nước chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, việc thi công các công trình không bị “đóng băng”, đình hoãn, giãn như thời gian trước.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đối với nhà thầu xây dựng vẫn là dự toán và đơn giá lạc hậu, khiến nhà thầu không có lãi, thậm chí bị lỗ sau khi trúng thầu. Hiện nay, rất nhiều dự án xây dựng cơ bản có đơn giá, định mức được lập 1 - 2 năm trước thời điểm triển khai thực hiện, loại hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định để không vượt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, với dự báo giá vật liệu xây dựng tăng cao trong năm 2022, rủi ro sẽ dồn lên vai nhà thầu, khiến nhiều nhà thầu dù trúng thầu nhưng không dám nhận việc vì không có biện pháp đối phó với bão giá. Nhà thầu mong muốn các cơ quan chức năng sớm rà soát, điều chỉnh kịp thời chi phí đầu tư xây dựng sát với giá thị trường và thực tế thi công để nhà thầu sớm trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định sản xuất - kinh doanh.

Cần nguồn vốn giá rẻ để tái sản xuất

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam

Năm 2022 sẽ có nhiều thuận lợi hơn năm 2021. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, nhận thức của người dân tăng lên. Thứ hai, đã có nhiều loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19, nên bài toán dịch bệnh sẽ được giải quyết sớm. Nền kinh tế trong nước sẽ nhanh chóng phục hồi. Giờ là lúc cần đến nguồn vốn giá rẻ để tái sản xuất một cách hiệu quả nhất. Chính phủ nên hỗ trợ về lãi suất để giúp cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đó là sự hỗ trợ hết sức cần thiết và then chốt để giúp doanh nghiệp vực dậy.

Về phía chúng tôi, hiện nay các đơn hàng đã có đủ cho năm 2022. Chỉ mong những vướng mắc liên quan đến khâu vận chuyển hàng hóa sớm được giải quyết. Bởi tình trạng hàng hóa làm xong không thể xuất đi, trong khi giá cả dịch vụ đắt đỏ, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cần tháo gỡ những khó khăn này từ trong nước để hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam có trình độ tay nghề tốt, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, được các đối tác nước ngoài tin tưởng. Đây là yếu tố hết sức tích cực, cần tận dụng thời cơ để tăng sức cạnh tranh.

Tìm cơ trong nguy

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh

Gần 2 năm với liên tiếp các đợt dịch Covid-19 nhấn chìm nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cũng nỗ lực tự cứu mình bằng cách thay đổi và tìm hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Năm 2022 vẫn còn thách thức, khó khăn, tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng.

Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm gạo và phân bón, Công ty nhận thấy, khó khăn đầu tiên mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022 là nguồn nhân lực. Đại dịch dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động, rất nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân lực do không tuyển dụng được lao động. Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Thứ hai là chi phí sản phẩm tiếp tục bị đẩy lên cao, đặc biệt đối với ngành lúa gạo, khi giá vật tư sản xuất như đạm, lân, kali... đều tăng từ 50% - 300%. Thứ ba là chi phí logistics quá cao, đồng thời khan hiếm tàu vận chuyển, đặc biệt là các tuyến chở hàng xuất đi châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Các khó khăn này đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tín hiệu tích cực làm điểm tựa cho doanh nghiệp trong năm 2022. Trước tiên là lãi suất ngân hàng đã hợp lý hơn do Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nhiều ưu điểm. Việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và xu thế làm việc tại nhà, làm việc mọi nơi sẽ là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp "tìm cơ trong nguy".

Kỳ vọng vào “cú hích” đầu tư công trong năm 2022

Ông Bùi Tùng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Đỉnh

Cùng với Chương trình phục hồi kinh tế và các gói kích cầu, nhiều địa phương đang có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dồn lực thực hiện nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng, xây dựng…, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại. Đây là một trong những yếu tố tích cực đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng, tạo công ăn việc làm, cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng hoạt động mạnh mẽ, kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, để giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao trong năm 2022, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm khắc phục những vấn đề cố hữu trong các dự án xây dựng (hạ tầng, dân dụng…) từ trước tới nay. Đầu tiên là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đối với dự án hạ tầng thì vấn đề này càng quan trọng vì các dự án này không thể đạt hiệu quả nếu giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ”. Ngoài ra, vấn đề giá vật tư, nguyên liệu tăng cao cũng tạo áp lực cho nhà thầu…

Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn để đón đầu các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Với những doanh nghiệp xây dựng đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì có thêm hướng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, còn lại hầu hết các doanh nghiệp phải vay ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tín dụng để có thêm vốn vay và dòng vốn luân chuyển nhanh hơn. Theo đó, ngoài tài sản thế chấp, có thể bổ sung, tăng thêm vốn vay tín chấp từ các hợp đồng đã được ký với chủ đầu tư để nhà thầu có thêm vốn vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tin vào sự hồi sinh ngoạn mục

Bà Nguyễn Thị Khánh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH DR. Huệ

Đỉnh điểm của khó khăn do đại dịch Covid-19 đã dần đi qua, thuận lợi đang mở ra trên chặng đường sắp tới. Việc kỳ vọng vào sự hồi sinh trong năm mới 2022 là điều ai ai cũng mong đợi.

Dù khó khăn vẫn còn, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, doanh nghiệp lấy lại thăng bằng khiến tỷ lệ thất nghiệp không còn cao như năm ngoái.

Đất nước, doanh nghiệp và người dân như vừa bước qua cơn bạo bệnh, đây là lúc chúng ta cần đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên đạt hiệu quả hoạt động cao hơn. Tôi tin năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự hồi sinh ngoạn mục.

Triển vọng lớn từ các FTA

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Những tháng cuối năm 2021, nhiều đơn hàng của ngành hàng điện tử đã quay trở lại. Dự kiến xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử có thể đạt khoảng 50 tỷ USD năm 2021, tăng 13,5% so với năm 2020…

Đây không phải là điều bất thường mà xuất phát từ đà tăng trưởng của ngành trong những năm gần đây. Từ năm 2016 - 2020, xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Với đà tăng trưởng này, năm 2022 được dự báo sẽ có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ.

Covid-19 không chỉ làm thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng mà còn làm thay đổi phương thức kinh doanh. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch đầu tư, phân bổ rủi ro, tránh tập trung vào một thị trường. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam và khu vực ASEAN tăng hạng vị trí xuất khẩu trên bản đồ thế giới. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài hơn, chọn lọc những dự án có công nghệ cao, phát triển bền vững và có sức lan tỏa.

Nhờ các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận nhanh hơn với các thị trường rộng lớn và khó tính như Hoa Kỳ, EU… Giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ cao hơn.

Như vậy, triển vọng phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong năm 2022 và những năm tới là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nắm bắt và tận dụng được cơ hội này hay không tùy thuộc một phần vào phản ứng chính sách nhanh, phù hợp và kịp thời của chính quyền các cấp.

Trong đó, các biện pháp kiểm soát dịch cần đảm bảo duy trì hoạt động cho khối sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa các dịch vụ công để giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đồng bộ với hệ thống kho bãi…

Chuyên đề