Năm 2030, Việt Nam có thể đạt 5 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quốc gia năm 2020 với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế; các đại sứ quán và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam...
Đến năm 2030, Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo, xóa đói, giáo dục có chất lượng và các hành động bảo vệ khí hậu… Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2030, Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo, xóa đói, giáo dục có chất lượng và các hành động bảo vệ khí hậu… Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020 được xây dựng nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm vừa qua và dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu đến năm 2030.

Báo cáo đã góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về SDGs và là một phần quan trọng trong chu trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự ủng hộ, tham gia, đóng góp tích cực từ các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đồng thời là sự hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức).

Theo Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có khả năng đạt được 5 trong số 17 mục tiêu SDGs đến năm 2030, bao gồm các mục tiêu: về xóa nghèo, xóa đói; về giáo dục có chất lượng; về các hành động bảo vệ khí hậu; về quan hệ đối tác toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được 12 mục tiêu còn lại, đặc biệt là mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.

Chuyên đề