Không ai thành công nếu đi một mình, việc xây dựng chuỗi cung ứng có vai trò quyết định trong cuộc cạnh tranh toàn cầu |
Nhu cầu phát triển hai chiều
Trong những năm qua, tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên rất cao, trở thành điểm sáng về thị trường đầu tư sôi động cho khởi nghiệp của khu vực và trên thế giới.
Hiện Việt Nam đứng trong top 7 nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới và nằm trong 4 nước có thị trường khởi nghiệp sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có 38 thương vụ đầu tư tư nhân, trong đó có 27 - 28 là đầu tư vào Startup.
Tuy nhiên, có một thực tế là số Startup thành công vẫn còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 10%. Còn lại, 30% là thất bại và 60% đang "sống dở, chết dở". Startup lại thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm, quản trị và phát triển thị trường, mặc dù họ có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Còn những DN lớn, theo khảo sát của Unilever, Pepsi, Coca Cola..., có 70% DN lớn/tập đoàn mong muốn hợp tác với các Startup; 82% DN lớn cho rằng sự hợp tác với các Startup là rất quan trọng đối với sự phát triển của chính họ.
Phát biểu tại Hội nghị Vai trò của DN lớn, tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp diễn ra chiều ngày 5/3, tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự hợp tác giữa DN lớn/tập đoàn với Startup là mối quan hệ hai chiều, nhu cầu tự thân của mỗi bên để phát triển.
Theo ông Lộc, hợp tác với Startup sẽ giúp cho DN lớn phát huy được tính sáng tạo, năng động và phát triển hơn. Khi đã phát triển đến một mức độ ổn định nào đó, các DN lớn thường khó thay đổi, đóng khung, ít khi thoát ra khỏi khung khổ. Trong khi đó, phần lớn các phát minh, sáng kiến chủ yếu hình thành ở các DN nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp.
“DN lớn chỉ có thể mạnh lên khi tạo ra hệ sinh thái, cộng sinh với DN nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là Startup thì mới có được công nghệ mới, tăng sự năng động và sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu”, ông Lộc nhấn mạnh.
Là một trong 100 DN Sao Đỏ dẫn đầu Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cũng khẳng định: “Chúng tôi đang rất cần nguồn năng lượng mới, suy nghĩ mới, công nghệ mới và kiến thức mới. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, DN lớn cần phải có cuộc chạy tiếp sức cho Startup”.
“Kiềng 3 chân” thúc đẩy khởi nghiệp thành công
Để cuộc cách mạng khởi nghiệp thành công thì cần thúc đẩy hợp tác giữa 3 chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp là nhà khởi nghiệp - nhà doanh nghiệp (DN lớn/tập đoàn) - Nhà nước.
Hiện nay, theo ông Đoàn, Việt Nam có khoảng 700.000 DN. Nếu cứ 1 DN lớn giúp đỡ, kèm cặp 1 Startup thì trong 3 năm, số lượng DN sẽ tăng lên gấp rưỡi. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền bạc, DN lớn cần phải lao vào cùng làm với Startup, uốn nắn từng li từng tí thì mới có thể giúp họ thành công. Đây là con đường nhanh nhất để giúp số lượng DN Việt Nam tăng nhanh và thúc đẩy Startup phát triển, nên cần sớm khơi thông nguồn lực này trong cộng đồng.
Chia sẻ góc nhìn của Startup, tại Hội nghị, Phan Văn Hưng – Chủ tịch HĐQT VN Innovation Group cho rằng, Startup thường có tâm lý e ngại tâm thế đi xin tài trợ của DN lớn. Do đó, DN lớn nên là người đứng ra chủ động tương tác thì sự hợp tác sẽ tiến triển nhanh hơn, Startup cũng dễ mở lòng hơn. Không ai thành công nếu đi một mình, việc xây dựng chuỗi cung ứng có vai trò quyết định. DN lớn nên tổ chức đấu thầu trực tuyến để tìm kiếm DN đồng hành. Chính những Startup này sẽ là những DN lớn của Việt Nam sau này.
Theo ông Lộc, vì lợi ích của chính mình, các DN lớn nên đặt các Startup lên vai mình, chủ động đầu tư, tạo nền tảng cho phát triển Startup, thành lập các không gian khởi nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp, chia sẻ kiến thức và truyền cảm hứng kinh doanh. “Điều mà đất nước cần nhất ở trách nhiệm xã hội của DN lớn là đào tạo thế hệ doanh nhân kế nghiệp trong tương lai”, đại diện VCCI nhận định.
Về cách thức hỗ trợ Startup, ông Lộc rút ra từ kinh nghiệm trên thế giới, có 8 yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp như: thị trường, nguồn nhân lực, nguồn vốn và tài chính, hệ thống hỗ trợ tư vấn, khung pháp lý và hạ tầng, giáo dục đào tạo, văn hóa quốc gia.
Thực tế tại Việt Nam, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện có 3 mô hình hợp tác giữa DN lớn và Startup khá thành công.
Một là mô hình DN lớn là khách hàng của Startup. Một ví dụ cụ thể là Abivin – Startup cung cấp giải pháp tối ưu đường đi, cung cấp phần mềm quản lý vận tải tối ưu, tiết kiệm chi phí. Abivin hiện có 10 khách hàng lớn tên tuổi như Friesland Campina (cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group...
Hai là mô hình DN lớn là đối tác của Startup. Ở mô hình này, DN lớn có thể cắt giảm được chi phí, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; Startup rút ngắn được thời gian, nhanh chóng đưa sản phẩm, dịch vụ chiếm lĩnh thị trường (Vietjet kết hợp với Swift247 và Grap, Tiki mua lại nền tảng phân phối vé sự kiện trực tuyến Ticketbox...).
Ba là DN trở thành nhà đầu tư lớn cho Startup. Đây là nguồn lực quan trọng nhất cho Startup. Đầu tư vào Startup không đơn thuần là cung cấp tài chính mà còn là cố vấn, tư vấn phát triển sản phẩm, khách hàng... tận dụng từ kinh nghiệm và nguồn nhân sự của các DN lớn. Hiện có một số DN lớn đã thành lập các quỹ đầu tư hỗ trợ Startup như: VinGroup, Viettel, CMC, FPT, NextTech…