Mua thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang: Nhà thầu Đông Dương bất phục, do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu tham dự. Ngay sau khi Bên mời thầu phê duyệt danh sách nhà thầu đạt đánh giá kỹ thuật, Công ty TNHH Vật tư Khoa học Kỹ thuật Đông Dương (trụ sở tại Hà Nội) đã có văn bản kiến nghị cho rằng, quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) chưa thực sự minh bạch, khách quan.
Gói thầu Mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang có giá 63,165 tỷ đồng, gồm 4 phần (lô). Ảnh minh họa: Lê Tiên
Gói thầu Mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang có giá 63,165 tỷ đồng, gồm 4 phần (lô). Ảnh minh họa: Lê Tiên

Gói thầu nêu trên có giá 63,165 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 29/12/2023 - 1/2/2024, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang làm Bên mời thầu. Gói thầu gồm 4 phần (lô). Trong đó, Công ty TNHH Vật tư Khoa học Kỹ thuật Đông Dương tham dự Lô số 02 Máy móc, thiết bị y tế hồi sức tích cực, bao gồm 4 danh mục hàng hóa: máy điện tim (8 máy), máy thở chức năng cao (20 máy), máy theo dõi bệnh nhân (30 máy), bơm tiêm điện (80 máy).

HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự đối với Lô số 02: “Nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong khoảng thời gian kể từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đóng thầu. Trong đó, hợp đồng tương tự là hợp đồng có tính chất tương tự với hàng hóa đang xét hoặc cùng mã HS (9018.xxxx); đã hoàn thành có quy mô (giá trị) tối thiểu 15,932 tỷ đồng”.

Theo đánh giá của Bên mời thầu, tại HSDT, Công ty TNHH Vật tư Khoa học Kỹ thuật Đông Dương đề xuất 5 hợp đồng tương tự. Trong đó, Hợp đồng 15-22 TB/ĐD-CQY ngày 20/10/2022 ký với Cục Quân y có giá trị nghiệm thu mã HS 9018 là 3,615 tỷ đồng (đáp ứng cho hạng mục máy điện tim có quy mô > 448 triệu đồng); Hợp đồng G15-2022/HĐMB/ĐD-BVBTL ngày 5/12/2022 ký với Bệnh viện Bắc Thăng Long có giá trị nghiệm thu mã HS 9018 là 3,411 tỷ đồng (đáp ứng cho hạng mục máy theo dõi bệnh nhân có quy mô > 2,31 tỷ đồng); Hợp đồng 02.20/HĐKT/BVT-ĐD ngày 13/3/2020 có giá trị nghiệm thu mã HS 9018 là 3,81 tỷ đồng (đáp ứng cho hạng mục bơm tiêm điện có quy mô > 1,344 tỷ đồng). Đối với 2 hợp đồng còn lại gồm Hợp đồng 15/HĐKT/SYT-ĐD ngày 8/11/2021 ký với Sở Y tế Hải Phòng có giá trị nghiệm thu mã HS 9018 là 4,05 tỷ đồng và Hợp đồng 04/SYT/2020 ngày 20/11/2020 ký với Sở Y tế Nghệ An có giá trị nghiệm thu mã HS 9018 là 2,034 tỷ đồng, Tổ chuyên gia đánh giá đều không đáp ứng cho hạng mục máy thở quy mô > 11,83 tỷ đồng.

Nhà thầu bị kết luận không đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm do hạng mục máy thở không có hợp đồng tương tự đáp ứng về quy mô tối thiểu và tổng giá trị các hạng mục của hợp đồng đáp ứng không đạt quy mô tối thiểu là 15,932 tỷ đồng.

Phản ứng với đánh giá của Tổ chuyên gia, Nhà thầu Đông Dương cho rằng, liên quan đến 4 danh mục hàng hóa thuộc Lô số 02, HSMT hay các tài liệu liên quan đều không đề cập đến quy mô tương tự cụ thể mà nhà thầu tham dự phải đáp ứng như cách đánh giá của Tổ chuyên gia (1 hợp đồng có máy điện tim quy mô > 448 triệu đồng; 1 hợp đồng có máy thở quy mô > 11,83 tỷ đồng; 1 hợp đồng có máy theo dõi bệnh nhân quy mô > 2,31 tỷ đồng; 1 hợp đồng có bơm tiêm điện quy mô > 1,344 tỷ đồng). Do thông tin về quy mô, dự toán từng hạng mục không được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại thời điểm phát hành HSMT, nên Nhà thầu khó có cơ sở để tính toán giá trị hạng mục hàng hóa tương tự đáp ứng giá trị của từng hạng mục hàng hóa đang xét. Tổng giá trị các hạng mục tương tự (cùng mã HS 9018 với 4 hạng mục mua sắm) trong 5 hợp đồng Nhà thầu cung cấp là 16.920.238.500 đồng, lớn hơn quy mô tối thiểu 15,932 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nhà thầu cho biết, trong công văn yêu cầu làm rõ HSDT ngày 4/3/2024, Bên mời thầu không yêu cầu bổ sung, làm rõ liên quan đến các danh mục hàng hóa cụ thể Nhà thầu chưa đáp ứng, mà yêu cầu “Nhà thầu cung cấp 1 hợp đồng tương tự bao gồm tất cả danh mục hàng hóa đáp ứng quy mô tối thiểu 15,932 tỷ đồng” là không thỏa đáng, chưa làm tròn trách nhiệm của Bên mời thầu trong việc làm rõ HSDT. “Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, việc Tổ chuyên gia không căn cứ vào tiêu chuẩn của HSMT, các tài liệu làm rõ liên quan mà đánh giá HSDT của Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về hợp đồng tương tự là không phù hợp”, đại diện Nhà thầu Đông Dương nhấn mạnh.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổ chuyên gia đấu thầu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khẳng định, việc đánh giá HSDT tuân thủ đúng tiêu chuẩn được quy định trong HSMT và các quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, việc loại Nhà thầu là có cơ sở.

Một chuyên gia đấu thầu cho biết, theo mẫu HSMT mua sắm hàng hóa được quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và các hướng dẫn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, việc đánh giá hợp đồng tương tự có thể thực hiện theo một trong hai trường hợp: (1) có ít nhất 1 hợp đồng hoàn thành cung cấp đầy đủ các loại hàng hóa tương tự có giá trị đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu, hoặc (2) có các hạng mục hàng hóa tương tự đã thực hiện trong các hợp đồng khác nhau nhưng bảo đảm giá trị của từng hạng mục hàng hóa tương tự đã thực hiện đáp ứng tối thiểu 70% giá trị của từng hạng mục hàng hóa trong gói thầu đang xét và tổng giá trị các hạng mục hàng hóa đã thực hiện phải đáp ứng giá trị tối thiểu theo yêu cầu.

Theo vị chuyên gia, trong trường hợp này, Nhà thầu dự thầu theo phương án (2), nhưng trong công văn yêu cầu làm rõ HSMT (ngày 4/3/2024), Bên mời thầu lại chỉ hướng Nhà thầu làm rõ theo phương án (1). “Ngay cả khi nhận thấy nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm, bên mời thầu phải tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh phát sinh khiếu kiện, khiếu nại về sau”, vị chuyên gia nói.

Cũng theo ý kiến chuyên gia, nguyên tắc của việc đánh giá HSDT là phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT, các yêu cầu khác trong HSMT, văn bản sửa đổi HSMT (nếu có), tài liệu làm rõ HSMT. Nếu các tài liệu này không đề cập đến quy mô tương tự của từng hàng hóa cụ thể, thì bên mời thầu không có căn cứ đánh giá theo tiêu chí nào ngoài các tài liệu này.

Chuyên đề