Một năm đầy bất trắc đã đi qua

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 quét qua địa cầu tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại trong năm 2020, kể từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội; khiến nhiều quốc gia phải trả giá đắt chỉ vì lựa chọn sai phương thức đối phó; làm thay đổi hành vi, nhận thức của từng cá nhân cho đến các nhà hoạt động chính trị, các nguyên thủ quốc gia.
Ngày 2/12/2020, vắc-xin do Pfizer hợp tác với BioNTech sản xuất được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: AP
Ngày 2/12/2020, vắc-xin do Pfizer hợp tác với BioNTech sản xuất được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: AP

Covid-19 không chừa một ai

Khi đại dịch lan rộng trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng không thể miễn nhiễm.

Với kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính ngày 17/12/2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gia nhập hàng ngũ những nhà lãnh đạo trên thế giới bị nhiễm bệnh như Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các tổng thống của Bolivia, Guatemala và Honduras cũng như các thủ tướng của Armenia và Nga cũng có kết quả dương tính với Covid-19.

Thủ tướng Anh là nguyên thủ quốc gia đầu tiên được xác nhận mắc Covid-19, sau khi vấp phải những chỉ trích vì đánh giá thấp mối đe dọa của đại dịch. Ông Johnson đã trải qua một tuần tại bệnh viện ở London, trong đó có 3 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Ông xuất viện vào giữa tháng 4/2020 và gửi lời cảm ơn các nhân viên bệnh viện đã giúp ông lấy lại sự sống.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - người kiên quyết phản đối việc phong tỏa và đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh - đã bị mắc Covid-19 vào cuối tháng 7/2020. Trước và sau khi nhiễm bệnh, ông liên tục bị chỉ trích vì phớt lờ các biện pháp an toàn mà các chuyên gia y tế khuyến cáo, bắt tay đám đông và ôm những người ủng hộ.

Đầu tháng 10/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông và phu nhân Melania Trump dương tính với Covid-19. Trong nhiều tháng, ông Trump bị cáo buộc hạ thấp mức độ nguy hiểm của loại virus đã giết chết hơn 373 nghìn người Mỹ. Ở tuổi 74, cựu Tổng thống Mỹ là nguyên thủ quốc gia già nhất mắc Covid-19 cho đến nay. Ông đã phải nhập viện trong 3 ngày, và sau khi trở lại Nhà Trắng đầy ấn tượng, ông vẫn tiếp tục đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của virus này.

Trong năm 2020, thế giới cũng chứng kiến nguyên thủ quốc gia đầu tiên qua đời khi mắc Covid-19. Thủ tướng Eswantini, ông Ambrose Dlamini, đã qua đời 4 tuần sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Nhà lãnh đạo 52 tuổi của quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế đã được điều trị tại nước láng giềng Nam Phi kể từ ngày 1/12 và qua đời vào ngày 13/12.

Kinh tế toàn cầu gục ngã

Có thể nói, đại dịch Covid-19 là một “cú đấm chí mạng” có sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi - giải trí... cùng lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra phần lớn từ sự suy giảm nhu cầu, thể hiện rõ ở một số ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải, du lịch…

Việc nhiều quốc gia hạn chế lưu thông trong nước cũng như mở cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến ngành hàng không “điêu đứng”, nhiều hãng bay phải sa thải nhân công để cắt giảm chi phí.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm 2019, khiến doanh thu giảm hơn 60%. Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm 2020 chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD, và con số này năm 2021 được dự báo là 38 tỷ USD.

Ngoài hàng không, các ngành công nghiệp khác cũng chịu sự tác động tương tự, như sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ và sản xuất ô tô. Các công ty phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế, khi những người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 khiến gần 1,6 tỷ trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức trên thế giới phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh. Trong 3 quý đầu của năm 2020, thu nhập của người lao động giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 3.500 tỷ USD. Khủng hoảng trên thị trường lao động và việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về nghèo đói và những bất ổn về kinh tế - xã hội.

Theo Ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan Chase, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã giảm 15,6% trong 6 tháng đầu năm 2020, lớn gấp 4 lần so với năm 2008. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính kinh tế toàn cầu suy giảm 4,4% trong năm 2020, GDP ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh được dự báo giảm khoảng 10,2% trong năm 2020, trong khi nền kinh tế Mỹ giảm khoảng 8%.

Ngành hàng không lỗ ròng 118 tỷ USD trong năm 2020

Ngành hàng không lỗ ròng 118 tỷ USD trong năm 2020

Phản ứng nhanh chóng

Các ngân hàng trung ương là những tổ chức đưa ra phản ứng đầu tiên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do Covid-19. Từ đầu tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất xuống 0% và bắt đầu việc mua tài sản quy mô lớn, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, để giảm chi phí đi vay và duy trì hoạt động trơn tru của thị trường tài chính. Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất mọi thời đại và giới thiệu chương trình mua trái phiếu của riêng mình. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bơm một lượng tiền mặt vào thị trường tài chính thông qua các chương trình mua tài sản lớn nhất trong lịch sử, mua mọi thứ từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu đến nợ chính phủ. Có thể nói 2 thập kỷ trước, những biện pháp này là điều không thể tưởng tượng được đối với hầu hết các nhà quan sát. Nếu trong khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nhiều bước đi tiên phong giống như các biện pháp nêu trên được coi là chính sách tiền tệ “độc đáo” thì năm 2020, chúng không chỉ là thông thường mà không thể thiếu.

Trong những ngày đầu của đại dịch, các chính phủ đã phản ứng bằng cách bơm tiền ra. Tại Mỹ, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2,2 nghìn tỷ USD. Qua đó, cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho hàng triệu người Mỹ, cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp kéo dài và gia tăng cho những người bị mất việc bởi đại dịch, đồng thời đưa ra Chương trình Bảo vệ tiền lương để cung cấp các khoản vay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm giữ chân nhân viên. Đạo luật CARES chiếm khoảng 9% GDP của Hoa Kỳ.

Các chính phủ châu Âu cũng phản ứng bằng các gói tài chính quan trọng. Trong đó, Đức từ bỏ Chính sách Schwarze Null hay còn gọi là chính sách “Số 0 đen” nghiêm ngặt để duy trì cân bằng ngân sách chính phủ, thông qua gói kích thích tài khóa dẫn đến thâm hụt ngân sách hơn 200 tỷ euro, mức chi tiêu tương đương 8% sản lượng kinh tế Đức. Quy mô của phản ứng năm 2020 của Vương quốc Anh có thể vào khoảng 8% GDP; của Pháp là khoảng 5%.

Gói hỗ trợ tài chính trị giá 550 tỷ USD của Nhật Bản chiếm hơn 10% GDP của quốc gia này. Chính phủ Hàn Quốc, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, đã tung ra tổng cộng 4 gói ngân sách bổ sung trong năm, với một loạt các biện pháp kích thích bao gồm trả tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ thêm tài chính cho những người mới thất nghiệp và thậm chí là trợ cấp cho kế hoạch sản xuất điện thoại di động. Tổng cộng, các biện pháp này đã tăng thêm khoảng 234 tỷ USD, tương đương hơn 10% GDP. IMF ước tính tổng số tiền mà các chính phủ chi ra để kích cầu trong năm 2020 lên tới khoảng 12 nghìn tỷ USD.

Hiện tại, có thể nói rằng các phản ứng khẩn cấp và phối hợp từ các chính phủ và ngân hàng trung ương đã ngăn cản những dự đoán tồi tệ nhất trở thành hiện thực. Nhưng các nền kinh tế lớn của thế giới vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra rằng cuộc khủng hoảng kinh tế này khác với bất cứ điều gì họ phải đối mặt trong quá khứ. Nguồn gốc cơ bản của sự gián đoạn kinh tế là mầm bệnh, không phải sự sụp đổ tài chính hay sự suy thoái trong chu kỳ kinh doanh. Vì vậy, các phản ứng chính sách kinh tế chỉ có thể điều trị các triệu chứng tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng y tế mà không thể loại bỏ nguyên nhân.

Phát minh vắc-xin Covid-19 thần tốc

Lịch sử chắc chắn không quên ghi công các nhà khoa học đã phát triển thành công vắc-xin Covid-19 khả dụng trong thời gian nhanh kỷ lục, giúp nhân loại tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Khi các nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, họ đã cẩn thận không hứa hẹn về sự thành công nhanh chóng. Tốc độ phát triển vắc-xin nhanh nhất trước đây, từ khi lấy mẫu virus đến khi được phê duyệt, là 4 năm và đó là trường hợp đối với bệnh quai bị vào những năm 1960. Do đó, hy vọng có được một loại vắc-xin vào mùa hè năm 2021 đã có vẻ rất lạc quan.

Nhưng vào đầu tháng 12/2020, một số nhà phát triển vắc-xin đã công bố kết quả tuyệt vời trong các thử nghiệm trên phạm vi lớn, với nhiều hứa hẹn hơn. Ngày 2/12, một loại vắc-xin do hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer hợp tác với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức sản xuất trở thành loại vắc-xin đã thử nghiệm đầy đủ đầu tiên được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Giữa đại dịch toàn cầu, thời gian là một thứ xa xỉ không thể mua được. Thế giới có thể phát triển vắc-xin Covid-19 nhanh chóng như vậy là do đã có nhiều năm nghiên cứu về các loại virus liên quan và cách thức sản xuất vắc-xin nhanh hơn, nguồn kinh phí khổng lồ cho phép các công ty chạy nhiều thử nghiệm song song và các cơ quan quản lý tiến hành phê duyệt nhanh hơn bình thường.

Nhưng không có gì bảo đảm có thể lặp lại thành công nhanh chóng như vậy vì nó sẽ đòi hỏi nguồn tài trợ khổng lồ, điều này có thể chỉ đến nếu ý thức cấp bách về chính trị và xã hội có thể so sánh được. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào bản chất của mầm bệnh. Với SARS-CoV-2, một loại virus biến đổi tương đối chậm và thuộc về một họ được nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học đã gặp may.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư