Mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết luận về những kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát để kịp thời xử lý theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh Covid-19, bảo đảm nguyên tắc lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Từ dịch Covid-19, cần nhìn lại vấn đề giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Ảnh Internet
Từ dịch Covid-19, cần nhìn lại vấn đề giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Ảnh Internet

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương phải đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp.

Một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới là ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Trong đó, rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 đi cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng chống dịch cho doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất… “Khi xây dựng hướng dẫn cần lấy ý kiến các đối tượng được điều chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh lưu ý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023; tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương…

Bộ Tư pháp khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đầu tư, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hải quan, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thi hành án dân sự nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giảm chi phí các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu; tạo điều kiện thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do; giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, các dự án, công trình chưa hoàn thành chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp chống dịch Covid-19…

Về phía UBND cấp tỉnh, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế/hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, doanh nhân được ưu tiên tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, phải tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Một trong những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong Kết luận Hội nghị là đẩy mạnh chuyển đổi số.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

Không chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, theo Thủ tướng, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn nữa trong đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ. Tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển; chủ động đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề