Ảnh minh họa: Báo Pháp luật TP HCM. |
Bộ Công an vừa trình Chính phủ đề án "cấp biển số xe ôtô thông qua đấu giá”, theo đó cho phép người dân được mua biển số đẹp hoặc biển số theo yêu cầu của cá nhân song không được chuyển nhượng. Hiện, có nhiều cách hiểu khác nhau về quyền sở hữu của người mua biển, VnExpress giới thiệu những phân tích pháp lý của luật sư Vũ Tiến Vinh về vấn đề này.
Tôi cho rằng theo các quy định của pháp luật hiện nay, chưa có văn bản quy phạm nào xác định biển số xe là tài sản; cũng chưa có văn bản nào xác định ai là chủ sở hữu của những biển số xe đã cấp cho chủ phương tiện.
Theo khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, pháp luật nghiêm cấm sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Điều này có nghĩa chủ phương tiện không được phép bán biển số của phương tiện mà họ là chủ sở hữu. Tiếp cận theo góc độ này, biển số xe không phải là “tài sản” của chủ phương tiện.
Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất cụ thể về trình tự cấp, thu hồi và đăng ký biển số xe cơ giới. Điều này cho thấy, hiện tại biển số xe chỉ là công cụ để nhà nước quản lý phương tiện giao thông, không được coi là tài sản.
Các văn bản dưới luật như Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an về đăng ký xe, biển số xe cũng không coi biển số là tài sản.
Nên sửa luật để đấu giá biển số xe đúng quy định
Hiện nay, hoạt động đấu giá được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Theo điều 4 của luật này, đối tượng đưa ra đấu giá là tài sản, nếu không thì không thuộc diện được đấu giá, không chịu sự điều chỉnh của luật này.
Việc pháp luật quy định chỉ tài sản (bao gồm tài sản và quyền tài sản) mới là đối tượng được đấu giá là phù hợp với mục đích, bản chất của việc đấu giá. Trên thực tế không thể có đối tượng không phải là tài sản mà lại "có giá". Do vậy, không thể đấu giá đối tượng không phải là tài sản.
Vì vậy, việc Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe có thể về mặt văn bản còn có một số bất cập. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số xe đã được nhiều nước thực hiện bởi cách làm này góp phần minh bạch việc cấp biển số “đẹp”, tránh những dư luận tiêu cực của xã hội trong việc cấp phát biển số.
Để khắc phục vấn đề này, theo tôi cần sửa luật, tiếp cận theo coi hướng biển số xe nói chung (chứ không chỉ biển số đẹp) là tài sản quốc gia. Sau khi được cấp phát, nó thuộc sở hữu của chủ phương tiện. Khi đó, việc cấp phát biển số xe sẽ là giao dịch dân sự giữa nhà nước và người dân, tương tự như nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc hơn nữa là đấu giá quyền sử dụng đất để bất kỳ ai cũng có thể tham gia.
Ở một số nước người dân có thể chọn biển số theo số ngày tháng năm sinh của họ cho dễ nhớ hoặc một dãy số và chữ mà họ thích. Biển số này sẽ gắn bó suốt đời với họ dù họ có thay đổi phương tiện. Tại đây, người dân chỉ bán xe, còn biển số họ giữ lại để lắp cho chiếc xe mua sau. Khi có sự cố giao thông như tai nạn hay mất cắp, cơ quan chức năng truy tìm chủ phương tiện đơn giản, nhanh chóng. Việc phạt nguội xe vi phạm dễ dàng bởi cứ theo biển số "mà tra" và việc mua bán có sang tên đổi chủ hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng trong việc xử lý xe vi phạm.