Luật Đầu tư nước ngoài 1987: Đón đầu xu hướng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhìn lại nền kinh tế sau 35 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá là địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Thành quả này có được do nhiều yếu tố, mà khởi đầu là sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài 1987.
Những đóng góp của khu vực FDI vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước là một minh chứng khẳng định vai trò tích cực của pháp luật về đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Những đóng góp của khu vực FDI vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước là một minh chứng khẳng định vai trò tích cực của pháp luật về đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Trò chuyện với Báo Đấu thầu, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhấn mạnh đến những yếu tố mang tính “bản lĩnh, trí tuệ, tiên phong” khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời.

Ông có thể chia sẻ về những dấu ấn tiên phong, cùng những khó khăn, thử thách trong nỗ lực ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1987 - dấu mốc quan trọng của đổi mới, mở cửa thời điểm đó?

Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Trước khi Luật ra đời, không mấy ai biết hội nhập là gì. Thời điểm đó, phải nói rằng kinh tế quá khó khăn, chúng ta thiếu vốn, làm không đủ tiêu, lạm phát lên tới hơn 774%. Trong bối cảnh này, chúng ta nghĩ đến nguồn lực nước ngoài và Luật Đầu tư nước ngoài ra đời với kỳ vọng đem lại sự tin tưởng cho nhà đầu tư khi vào Việt Nam.

GS. TSKH. Nguyễn Mại

GS. TSKH. Nguyễn Mại

Luật được soạn thảo, ra đời trong một thời gian rất ngắn - 6 tháng soạn thảo, đến tháng thứ 7 thì được thông qua. Cách làm của chúng ta là lựa chọn những điểm tốt nhất nhưng phải phù hợp với Việt Nam. Luật ban hành được nhà đầu tư hoan nghênh và hưởng ứng, nhanh chóng đi vào cuộc sống và thu được kết quả quan trọng trong thời gian sau đổi mới.

Đây là một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử hiện đại Việt Nam vì nó tạo ra nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài, một vấn đề quá mới mẻ vào thời điểm đó. Thời điểm đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhận thấy kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể chưa phát huy được tác dụng. Việc thu hút vốn nước ngoài để đẩy mạnh nền kinh tế trong nước là cần thiết.

Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật có tư tưởng cởi mở, đón đầu xu hướng phát triển, mở đường cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thực sự đã tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài 1987 được ban hành, thế giới bình luận đó là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Luật được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác. Đây là cách làm khoa học, nhanh chóng, đón đầu xu hướng phát triển. Sau khi có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam mở cửa, hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu thế giới đến đầu tư.

Chỉ trong hơn 2 năm đã có hàng trăm giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Mặc dù lúc đó lệnh cấm vận của Mỹ đang có hiệu lực, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí.

Có thể nói giai đoạn 1991 - 1998 là thời kỳ hoàng kim của kinh tế, 30% tổng số vốn đầu tư xã hội là FDI, góp phần tăng trưởng bình quân là 8,6%. Như đồng chí Đỗ Mười đánh giá, nếu không có đầu tư nước ngoài thì tăng trưởng chỉ 5%.

Cũng phải nói thêm, thời điểm đó các hoạt động về đầu tư nước ngoài chỉ có 1 cơ quan duy nhất là Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư quản lý. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giúp Chính phủ thẩm định những dự án lớn cỡ trên 50 - 60 triệu USD. Đến cuối năm 1995, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan.

Thưa ông, thành tựu thu hút đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, từ lúc thai nghén, cho đến lúc ra đời và thực thi thì gặp không ít thách thức. Là người gắn bó với FDI lâu năm, xin ông có thể chia sẻ đôi điều?

Khi soạn thảo Luật, điều tranh cãi nhiều nhất, cản trở nhiều nhất là việc có nên cho thành lập công ty 100% vốn ngoại trên đất Việt Nam hay không? Lúc đó, nhiều người cho rằng, nếu đồng ý tỷ lệ 100% vốn như trên, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối hết. Cuối cùng, Ban soạn thảo đã thuyết phục được các cấp có thẩm quyền.

Khi đó các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn ta thì mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Thực tế kết quả sau đó cho thấy, nhờ có vốn ngoại, kinh tế tư nhân cũng có lực đẩy phát triển. Cho đến thời điểm này vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn.

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau đó đã nói, mở cửa thì không khí trong lành cũng vào mà muỗi cũng có thể vào. Nếu sợ ruồi muỗi không mở cửa thì không có cả không khí trong lành. Không còn cách nào khác, chúng ta phải mở cửa nhưng có màn để ngăn muỗi.

Những đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, lâu nay vẫn tồn tại câu chuyện mặt trái và tranh cãi “được, mất”. Theo ông, nên nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

35 năm qua, không lúc nào Việt Nam coi nhẹ chất lượng và hiệu quả thu hút FDI. Cho đến bây giờ việc lựa chọn các dự án đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chúng ta không thể thu hút FDI một cách bừa bãi để rồi phát sinh hệ lụy.

Chúng ta mở rộng cửa chào đón, nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng chuyển vào Việt Nam những dự án không tốt, đặc biệt là những dự án ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu, không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại sự hình thành và phát triển của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, từ năm 1987 cho đến nay, Luật luôn luôn được hoàn thiện, tạo dựng một khung pháp lý cơ bản điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trên cơ sở quán triệt quan điểm mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Những đóng góp của khu vực FDI vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước là một minh chứng khẳng định vai trò tích cực của pháp luật về đầu tư nước ngoài. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng chất lượng và số lượng vốn FDI, nhưng hơn bao giờ hết, lúc này chất lượng trở nên quan trọng nhất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư