Luật Đầu tư 2020: Cú hích huy động thêm nhiều nguồn lực đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Luật Đầu tư 2020 quy định đồng bộ, xử lý được các vướng mắc
về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có sử dụng đất. Ảnh:
Lê Tiên
Luật Đầu tư 2020 quy định đồng bộ, xử lý được các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên

Một nội dung lớn là làm rõ, phân định phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và các luật có liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Khắc phục bất cập, chồng chéo

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư 2020 hướng tới tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn cho người dân và DN; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

“Luật có 5 nhóm vấn đề mới, trong đó phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và các luật có liên quan, đồng thời giải quyết những bất cập, xung đột, chưa thống nhất giữa các luật về đầu tư kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.

Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan đến đất đai, đồng thời sửa đổi 6 luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập DN và Luật Điện ảnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, sửa đổi này của Luật Đầu tư 2020 như một mũi tên giải quyết được nhiều vướng mắc cho DN liên quan đến những bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh thời gian qua.

“Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với quy định của Khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án nếu nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan nhằm chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không phải thông qua đấu giá, đấu thầu”, ông Châu bày tỏ.

Theo ông Châu, quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư là nội dung rất quan trọng được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm, được Luật Đầu tư 2020 quy định đồng bộ, xử lý được các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có sử dụng đất, bao gồm các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bao gồm đất ở và đất nông nghiệp.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp…”. Đảm bảo sự thống nhất trong quy định này, Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14.

Đánh giá cao điểm mới của Luật Đầu tư 2020, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, những sửa đổi của Luật sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho DN.

Thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường

Liên quan đến thủ tục đánh giá tác động môi trường được quy định trong pháp luật về đầu tư kinh doanh, ông Châu cho biết, trước đây, DN làm dự án đầu tư muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư phải có báo cáo đánh giá khả thi tác động môi trường. Đáng nói là DN chưa có dự án mà yêu cầu phải có báo cáo đánh giá khả thi tác động môi trường là vô lý nên thời gian qua các công ty tư vấn và DN phải làm theo kiểu đối phó mà cũng tốn kém.

Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh do VCCI thực hiện trước đó cũng đã chỉ ra sự chưa thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định tại Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.

“Luật Đầu tư 2020 thêm chữ “sơ bộ” trong quy định về đánh giá tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Bảo vệ môi trường giúp mọi thứ đơn giản trở lại”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo đó, Khoản 3 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 39/2019/QH14. Cụ thể, sửa đổi bổ sung điểm a Khoản 2 Điều 25, đó là đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này, cấp có thẩm quyền căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư; nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Đối với dự án đầu tư công, cấp có thẩm quyền căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư; căn cứ đánh giá tác động môi trường để quyết định đầu tư đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường…

Với những sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư 2020, ông Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sự thống nhất trong quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh như quy định tại Luật sẽ tạo động lực giúp huy động thêm được nhiều nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư