Loạt dự án thủy lợi “đứng hình”, kẹt giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến hết ngày 31/1/2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý ước đạt trên 75% kế hoạch. Con số này dù thấp hơn năm 2021 song vẫn đạt trên mức trung bình của cả nước. Kết quả giải ngân không như kỳ vọng một phần xuất phát từ vướng mắc của loạt dự án thủy lợi trọng điểm chiếm tỷ trọng vốn lớn, trong đó có những dự án chuyển tiếp sau hàng chục năm khởi động đầu tư đến nay vẫn chưa thể cán đích.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 dự án hồ chứa nước do Bộ quản lý còn hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ. Ảnh: Hồng Thái
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 dự án hồ chứa nước do Bộ quản lý còn hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ. Ảnh: Hồng Thái

Thông tin đến Báo Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ được giao là 6.438 tỷ đồng, gồm vốn trong nước là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA là 1.900 tỷ đồng. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 ước đạt trên 75%, trong đó vốn trong nước đạt 80%, vốn ODA đạt 70%.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, phần lớn các dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 do Bộ quản lý đã cơ bản hoàn thành, phần khối lượng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2022 không nhiều, chủ yếu là công tác hoàn thiện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Chỉ còn 3 dự án trọng điểm nhóm A, gồm hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk), hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình) và hồ chứa nước Bản Mồng (Thanh Hóa, Nghệ An) đang còn hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân toàn ngành.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được triển khai trên địa bàn các huyện M’Drắk, Ea Kar và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2009, khởi công xây dựng năm 2011 với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 4.400 tỷ đồng. Để thực hiện Dự án, 4.000 ha đất phải thu hồi, khoảng 800 hộ dân phải di dời đến 2 khu tái định cư (tại xã Cư Êlang và Ea Bông, huyện Ea Kar) với tổng diện tích hơn 1.370 ha.

Đến nay, Dự án vẫn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), khâu khảo sát thiết kế còn nhiều sai sót phải điều chỉnh, việc thi công các khu tái định cư chậm... Trong số vốn đã bố trí, vẫn còn 118,5 tỷ đồng đã tạm ứng chưa được chi trả cho người dân. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tăng cường đôn đốc thực hiện đền bù GPMB. Bộ yêu cầu trước ngày 30/3/2023 hoàn thành di dời toàn bộ các hộ dân từ cao trình +483,0m trở xuống; trước ngày 30/4/2023 hoàn thành di dời toàn bộ các hộ dân còn lại từ cao trình +483,0m đến đỉnh đập; hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để chi trả kinh phí đền bù cho người dân.

Tại Hòa Bình, Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2022 với tổng mức đầu tư 3.115 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quý II/2022. Tuy nhiên, do vướng thủ tục, đến nay Dự án vẫn chưa được phê duyệt điều chỉnh, vì vậy không kịp thực hiện GPMB và chặn dòng trong năm 2022 để thi công và giải ngân số vốn phân bổ từ đầu năm. Dự án đang được đề xuất điều chỉnh khối lượng tại một số hạng mục thi công, đồng thời, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 4.127,884 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình đầu mối tăng 474 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hệ thống đường ống dẫn nước tăng khoảng 202 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án có khối lượng rất lớn với 652 hộ dân phải di dời tại 4 xã trên địa bàn 2 huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, cùng với yêu cầu về trình tự, thủ tục GPMB phức tạp, một số chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong khung chính sách còn chưa đồng bộ dẫn đến khiếu nại, thắc mắc, kéo dài tiến độ thực hiện.

Tại Nghệ An, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự. Dự án được phê duyệt đầu tư năm 2009 với tổng mức đầu tư 4.455 tỷ đồng. Sau 14 năm triển khai, Dự án đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng công trình, tuy nhiên, hợp phần GPMB lòng hồ vẫn chưa thể hoàn thành để chặn dòng, tích nước, đưa công trình vào sử dụng. Kinh phí GPMB tăng từ 360,76 tỷ đồng lên 417,95 tỷ đồng, tuy nhiên, do vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án nên đến nay, các đơn vị thực hiện chưa có căn cứ pháp lý để phân bổ vốn bổ sung.

Bộ NN&PTNT cho biết, do không thể giải ngân số kinh phí khoảng 950 tỷ đồng phân bổ cho 3 dự án kể trên trong năm 2022, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chuyển số vốn này cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu.

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch đã cam kết. Đồng thời, theo sát công tác chuẩn bị đầu tư từng dự án, song hành thẩm tra, thẩm định ngay từ đầu với chủ đầu tư; giám sát chặt chẽ hợp đồng; định kỳ hàng quý đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng, phấn đấu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch năm.

Chuyên đề