Loại bỏ “cát tặc”, địa phương phải vào cuộc

(BĐT) - Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, có sự chồng chéo trách nhiệm giữa các bên quản lý khai thác cát nên dễ bị “cát tặc” lợi dụng. Để giám sát hiệu quả hoạt động này, cơ quan quản lý rất cần sự phối hợp của các địa phương.
Theo chủ trương cấp phép nạo vét lòng sông, các tàu nạo vét chỉ được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ảnh: Quế Hà
Theo chủ trương cấp phép nạo vét lòng sông, các tàu nạo vét chỉ được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ảnh: Quế Hà

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an làm rõ đối tượng đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vì quyết định dừng Dự án Nạo vét kết hợp với tận thu cát trên sông Cầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Lợi ích trong việc khai thác cát rất lớn. Sự việc ở Bắc Ninh có thể do va chạm quyền lợi nên xảy ra việc “cát tặc” đe dọa. 

Ông cho rằng có khả năng “cát tặc” là đối tượng đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh? Vậy trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa ra sao trong vấn đề này?

Cục Đường thủy nội địa không có trách nhiệm bắt “cát tặc”, mà là xử lý các vi phạm đường thủy về an toàn giao thông, xâm hại kết cấu đường thủy nội địa. Trách nhiệm bắt “cát tặc” là của các lực lượng chức năng.

Theo chủ trương cấp phép nạo vét lòng sông, các tàu nạo vét được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Tất cả những hoạt động ngoài khung thời gian này được hiểu là “cát tặc”. Cơ quan chức năng phải kiểm soát vấn đề này. Cục Đường thủy nội địa không cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động vào buổi tối. Do vậy, nếu tàu hoạt động sau 6 giờ tối là trộm cắp, vi phạm. Lúc này các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý.

Loại bỏ “cát tặc”, địa phương phải vào cuộc ảnh 1
Ông Hoàng Hồng Giang
Trong vụ việc ở Bắc Ninh, phía chủ đầu tư cho biết đã được Cục Đường thuỷ nội địa cấp phép, thưa ông?

Vấn đề này chúng tôi đang làm rõ. Chúng tôi đang làm việc với chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn giám sát báo cáo, kiểm tra các nhật ký, nhật trình để xác minh sự việc. Có nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa nạo vét lòng sông để ăn cắp cát. Trên thực tế, khi các cơ quan chức năng hỏi đến “cát tặc”, họ đều trả lời là các đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông. 

Như ông nói sau 6 giờ tối là khai thác trái phép. Vậy tại sao khi phát hiện các vụ nạo vét cát vào ban đêm, các chi cục đường thủy nội địa không phản ánh cho địa phương?

Các chi cục đường thủy nội địa vẫn có thông báo khi phát hiện có “cát tặc”. Có nhiều đối tượng lợi dụng dự án được cấp phép để hoạt động khai thác cát. Ví dụ như họ vào khu vực đó bảo là được cấp phép, khi đó các lực lượng chức năng cần kiểm tra giấy phép. Như ở Bắc Ninh, trong khu vực dự án có 4 tàu được cấp phép, nếu có tàu thứ 5 xuất hiện thì đó là phương tiện của “cát tặc”. Việc kiểm soát trên sông phải có lực lượng cảnh sát, giao thông đường thủy và cơ quan chức năng địa phương. Vì thế, khi phát hiện “cát tặc”, các lực lượng chức năng phải vào cuộc làm rõ.

Cục đã đình chỉ 3 cán bộ thanh tra giao thông đường thủy, kết quả giải trình và kiểm điểm đối với các cán bộ thanh tra này như thế nào?

Hôm qua chúng tôi có cuộc họp về vấn đề này. Chúng tôi đã yêu cầu các cán bộ thanh tra này tiếp tục giải trình. Theo quyết định đình chỉ, đến ngày 20/3 là hết hạn, nhưng Cục cho kéo dài thời hạn đình chỉ các cán bộ thanh tra này để làm rõ vấn đề. Theo quan điểm của tôi, không thể nói cán bộ thanh tra của Chi cục không có trách nhiệm liên quan trong sự việc này được, vì các cán bộ thanh tra này được giao quản lý kết cấu hạ tầng ở khúc sông đó. Khi xảy ra khai thác cát trái phép ở khúc sông, thanh tra phải nắm được, vì sự việc có lẽ không phải diễn ra trong thời gian ngắn. Còn vụ việc ở Bắc Ninh, nếu đúng như phản ánh, các cán bộ thanh tra nắm được mà không xử phạt thì cần phải xem xét trách nhiệm. 

Theo phản ánh của tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày, trên sông Cầu có tới 40 - 50 tàu khai thác cát. Thực tế có đúng như vậy không, thưa ông?

Một tàu hoạt động khai thác cát phải mất 3 - 4 giờ, quá trình khai thác tiếng máy nổ rất to. Nếu đúng như báo cáo của Bắc Ninh có tới 40 tàu khai thác thì chắc cả huyện phải nghe thấy tiếng nổ máy này. Các lực lượng công an và cơ quan chức năng cũng sẽ phải kiểm tra, xử lý.

Theo số liệu báo cáo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, 14 tháng qua, trên tuyến sông Cầu có 1.700 con tàu hoạt động, tức là mỗi tháng có khoảng 100 lượt tàu trên sông đó. Tuy nhiên, nếu theo báo cáo của Bắc Ninh là một ngày có 40 - 50 tàu khai thác cát thì mỗi tháng phải có tới hàng nghìn con tàu thực hiện công việc này. Đối với vụ việc này chúng tôi sẽ kiểm tra lại các số liệu cho chính xác. 

Theo ông, địa phương đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động nạo vét luồng sông và khai thác cát?

Tôi xin nhấn mạnh, để quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả, cơ quan quản lý rất cần sự phối hợp của địa phương. Cả nước hiện có gần 2.000 bến bãi không phép, đây là nơi trung chuyển cát lậu, nơi tập kết của “cát tặc”. Việc dẹp bến bãi không phép là trách nhiệm của địa phương.

Chuyên đề