Lo ngại về môi trường đối với dự án điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xử lý chất thải từ tấm quang điện sau hết hạn sử dụng và chuyển đổi đất rừng làm dự án điện mặt trời là các vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này.
Tính tới tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Ảnh: Trung Thành
Tính tới tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Ảnh: Trung Thành

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời để phát triển kinh tế - xã hội được xem là nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Với những chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này, thời gian qua, “làn sóng” đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ.

Tính tới tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.

Hiện có một số địa phương xin chuyển đất rừng để làm nhà máy điện mặt trời. Điển hình như mới đây tỉnh Bình Định có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển gần 29 ha rừng để làm Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ; hay Long An chuyển đổi đất rừng để đầu tư các dự án điện mặt trời… Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các dự án điện mặt trời như: BimGroup, Hà Đô, Trung Nam…

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) cho biết, những địa phương có pin năng lượng này rất hoang mang. Tại địa phương (Ayun Pa), điện năng lượng, pin năng lượng dùng tràn lan, không biết sau này pin đó dùng làm gì? Xử lý ở đâu? Từ câu chuyện của địa phương, đại biểu Ksor Phước Hà mong muốn lãnh đạo cơ quan quản lý, chủ đầu tư dự án cần làm đúng trách nhiệm của mình trong việc xử lý pin năng lượng để tránh nguy hại tới môi trường…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, GS. Viện sỹ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, pin mặt trời hết hạn thì cũng giống như các thiết bị điện tử hết hạn trở thành chất thải công nghiệp. Pin có sử dụng các chất bán dẫn khác nhau mà nếu không được xử lý sẽ gây tác động lên môi trường.

Một số nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài cho thấy, pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Hiện có hai loại chất thải gây hại từ tấm pin năng lượng mặt trời. Chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường.

Đề cập về quản lý chất thải từ tấm quang điện, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, qua theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng, phần lớn các dự án điện mặt trời sử dụng tấm quang điện công nghệ đơn và đa tinh thể của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới có hiệu suất cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những quy định cụ thể đối với việc xử lý tấm quang điện sau khi hết hạn sử dụng. Các dự án điện mặt trời khi đầu tư phát triển đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt, giám sát vấn đề liên quan đến môi trường trong triển khai thi công cũng như vận hành dự án.

Liên quan đến bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững của môi trường, GS. Trần Đình Long cho rằng, xử lý chất thải từ tấm quang điện sau khi hết hạn sử dụng là chuyện của tương lai do mỗi tấm pin cũng có thời hạn sử dụng 15 - 20 năm, thậm chí dài hơn. Tuy nhiên, câu chuyện xử lý chất thải từ các tấm pin quang điện vẫn cần được tính đến. “Hiện nhiều nước như: Pháp, Đức… đang nghiên cứu công nghệ để xử lý chất thải từ các tấm pin quang điện hết hạn sử dụng. Do đó, những người hoạch định chính sách, quản lý nhà nước của ta cần phải “để tâm” đến vấn đề xử lý chất thải của các tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII - cho biết, trong phương án quy hoạch phát triển năng lượng, vấn đề pin cũng như nhóm chất thải khác từ phát triển năng lượng đã được Viện tính toán, coi như một thành phần chi phí. “Về cơ bản, chúng ta xử lý chất thải phát triển pin mặt trời, nhưng vấn đề quan trọng là có tiến hành xử lý hay không còn là việc trong tương lai, thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư”, ông Hưng cho biết.

Liên quan đến việc một số địa phương đề xuất chuyển đổi đất rừng để đầu tư điện mặt trời, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi quyết định.

Chuyên đề