Làn sóng mới đầu tư vào năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư cả chục dự án điện gió với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài Gia Lai, nhiều địa phương, nhất là tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có hàng loạt dự án điện tái tạo khác được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tính đến tháng 6/2020, 25 dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận với tổng công suất 1.556,55 MW đã được hòa điện lưới quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến tháng 6/2020, 25 dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận với tổng công suất 1.556,55 MW đã được hòa điện lưới quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

Hàng loạt dự án quy mô lớn

Ngày 25/8, UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư cho một loạt các dự án điện gió mới có quy mô vốn đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pech của Công ty CP Đầu tư Năng lượng xanh Gia Lai có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.499 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 của Công ty CP Phong điện Đak Đoa số hai với vốn đầu tư dự kiến 3.687 tỷ đồng…

Trước đó ít ngày, UBND tỉnh Gia Lai cùng lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với hàng loạt dự án điện gió có tổng vốn đầu cả ngàn tỷ đồng như: Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 có quy mô vốn 4.021 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đầu tư; Dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hòa 1 có quy mô vốn 1.462 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Nhơn Hòa 2; Dự án Nhà máy Điện gió Chơ Long có tổng mức đầu tư 4.619 tỷ đồng của Công ty CP Phong điện Chơ Long…

Tại tỉnh Đắk Lắk cũng đang bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, năm nay, các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn phát triển rất mạnh. “Trước thời điểm 30/6/2020 chỉ có vài MW điện mặt trời, tuy nhiên, dự kiến tới cuối năm nay sẽ có khoảng 300 MW được đưa vào vận hành. Đây là con số rất bất ngờ”, ông Chương chia sẻ.

Tại Ninh Thuận, tính đến tháng 6/2020, đã có 34 dự án điện mặt trời (2.376,85 MW) và 13 dự án điện gió (678,95 MW) được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn trên 88.782 tỷ đồng, đã hòa điện lưới quốc gia 25 dự án với tổng công suất 1.556,55 MW. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận cũng đang thông báo lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu…

Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỷ USD. Tại diễn đàn này cũng diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa nhà đầu tư Dự án Điện gió Thăng Long - Bình Thuận là Tập đoàn Enterprize Energy với Liên danh Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) - Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS).

Sức ép đối với truyền tải điện

Với hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư gần đây, GS. TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Đây là thông tin phấn khởi”. Theo ông Long, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện đang chậm tiến độ. Hơn nữa, phát triển năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch cũng là xu hướng phát triển năng lượng được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng như Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng.

“Khu vực miền Trung, Tây Nguyên nước ta có tiềm năng về năng lượng gió, mặt trời. Nhiều công trình đã được đầu tư cho thấy hiệu quả và việc tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các dự án này là hướng đi đúng đắn”, ông Long nói.

Về Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong quy hoạch lần này, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để bảo đảm an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng, miền và trên toàn quốc, trong đó phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo.

Nhằm tránh “vết xe đổ” khi nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư, song không thể giải tỏa được công suất do thiếu lưới truyền tải, gây tổn thất cho nhà đầu tư, ông Trần Đình Long khuyến nghị, trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, các địa phương phải xem xét lưới điện truyền tải có đáp ứng được yêu cầu hay không. Đầu tư lưới điện mất khá nhiều thời gian, thậm chí là vài năm, nhưng đầu tư các dự án điện tái tạo lại rất nhanh. Nếu lưới truyền tải không đáp ứng sẽ gây lãng phí đầu tư rất lớn…

Chuyên đề