Lơ lửng nỗi lo thiếu vật liệu đất đắp cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã được ban hành. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn bày tỏ quan ngại về nguy cơ thiếu hụt vật liệu đất đắp trong thời gian tới.
Sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công, các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Nhã Chi
Sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công, các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Nhã Chi

Khó khăn cũ chờ tháo gỡ

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải, vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong hợp đồng thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, có hợp đồng tỷ trọng vật liệu đất đắp hơn 20%. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa công bố giá và chỉ số giá cho vật liệu đất đắp, chưa coi đó là sản phẩm được mua bán. Vì không có chỉ số giá nên hiện nay tại một số hợp đồng, vật liệu đất đắp được đưa vào phần không được điều chỉnh giá.

Nhiều nhà thầu phản ánh đây là khó khăn rất lớn đối với các hợp đồng thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Tại nhiều gói thầu, thời gian qua giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói tăng 154%. Nguồn cung khan hiếm mà không được điều chỉnh giá, kết hợp hiện tượng đầu cơ tăng giá của các chủ mỏ đất khiến nhà thầu thêm chật vật, càng làm càng lỗ.

Hiện nay, tuy giá xăng dầu và một số vật liệu xây dựng đã giảm, nhưng trao đổi tại một tọa đàm diễn ra tuần qua, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết, thực hiện đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, khi ký hợp đồng, nhà cung cấp còn tăng giá do khan hiếm, một số mỏ phải tranh giành, tiến độ bị ép.

Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã kiến nghị bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể đối với vấn đề này.

Lo tiếp tục “vỡ trận”

Theo ông Lê Quyết Tiến, trong các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép để triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có nội dung liên quan đến mỏ vật liệu. Cụ thể, trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn khảo sát, xác định hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Trên cơ sở đó, khi lựa chọn được nhà thầu sẽ xem xét cấp quyền khai thác này cho nhà thầu.

Từ thực tiễn triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, một số nhà thầu cho biết, những khó khăn về nguồn cung đất đắp chỉ được tháo gỡ một phần, sau khi Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc - Nam (rút ngắn thủ tục không thông qua đấu giá quyền khai thác, đơn giản hóa thủ tục nâng công suất, cấp giấy phép khai thác cho nhà thầu…). Thực hiện theo các nghị quyết này giúp rút ngắn thủ tục hành chính từ 2 - 3 tháng. Thực tế cho đến cuối quý I và đầu quý II/2022 - sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công, các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau khi các mỏ vật liệu được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất cho chủ mỏ để có thể tiến hành khai thác vật liệu. Một số mỏ đất đã được cấp phép, nhưng vẫn chưa xong thủ tục để khai thác.

Theo ông Lê Đức Thọ, thời gian vừa qua, một số mỏ cấp rồi nhưng chưa khai thác được, chỉ cần thống kê thời gian từ khi bắt đầu chấp thuận đến nay là bao lâu sẽ biết cần gỡ ở khâu nào. “Vấn đề khan hiếm vật liệu vẫn còn, giai đoạn 2 nếu không có cách làm thì sẽ vẫn vỡ trận”, đại diện Cienco 4 lo ngại.

Cùng lo ngại vấn đề mỏ vật liệu sẽ vẫn là thách thức lớn trong thi công nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn tới, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ. Thủ tục cần vẫn phải làm nhưng làm nhanh hơn, theo tinh thần đại biểu Quốc hội đã nêu “muốn làm cao tốc thì hãy làm cao tốc trong thủ tục hành chính”.

Chuyên đề