Lấp lỗ hổng trong định giá DN nhà nước

(BĐT) - Để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lời giải tối ưu cho ngân sách, việc hoàn thiện quy định về định giá DN là vô cùng cấp thiết. Đây cũng là cách để lấp những lỗ hổng trong công tác định giá DNNN trước khi ngân sách bị thất thoát quá nhiều.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đất vàng được bán với giá bèo

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, bổ sung các quy định để chống tham nhũng, tiêu cực trong cổ phần hóa, trong đó quy định tính giá trị lợi thế quyền được thuê đất, được giao đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa DNNN.

Đây là một thông tin đáng chú ý, bởi từ trước đến nay, trong công tác cổ phần hóa DNNN, nhìn chung quyền sử dụng đất chưa được định giá một cách đầy đủ, gây thất thoát đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Một thực tế hiện nay là với các mảnh đất được DN thuê và trả tiền hàng năm, cho dù giá trị thực tế như thế nào thì giá trị đó cũng không được đưa vào trong quá trình định giá DN phục vụ cổ phần hóa. Theo GS. Đặng Hùng Võ, ngay cả khi trả tiền hàng năm thì quyền sử dụng đất cũng có thể cấu thành giá trị DN, bởi thực tế không phải ai cũng có quyền thuê mảnh đất đó. Trong nhiều trường hợp, các cổ đông chiến lược có mục đích “săn đất”, chứ không hẳn muốn tham gia phát triển hoạt động kinh doanh vốn có của DN.

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc việc đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại khu đất số 22 - 32 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Đây là khu đất có diện tích lên tới 2.871 m2 nằm ngay sát Hồ Gươm, là một trong những mảnh đất rộng và đẹp nhất Thủ đô Hà Nội, hiện đang được quản lý bởi Công ty CP Intimex Việt Nam (Intimex). Tuy nhiên, nhìn lại quá trình cổ phần hóa Intimex diễn ra cách đây 1 năm, mới thấy mảnh đất vàng nói trên đã được bán với giá rẻ đến thế nào.

Tháng 9 năm ngoái, SCIC ra thông báo chào bán toàn bộ 49% cổ phần (CP) tổ chức này nắm giữ tại Intimex, tương đương 12,25 triệu CP. Trong đó, chỉ 3,68 triệu CP được chào bán công khai, còn 8,57 triệu CP được chào bán cho Công ty TNHH Thung lũng Vua – một thành viên của Tập đoàn BRG (BRG Group) theo giá thành công thấp nhất của phiên chào bán công khai. Với quy chế này, BRG đã chi khoảng 96 tỷ đồng để sở hữu 8,57 triệu CP Intimex (34,3% vốn điều lệ Intimex). Cộng với 11,6% CP BRG trực tiếp nắm giữ, tập đoàn này nắm giữ tổng cộng gần 46% CP Intimex, là cổ đông lớn nhất có tiếng nói gần như quyết định đối với Intimex.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, trường hợp doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 118, Luật Đất đai năm 2013, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/02/2017.

Trong thời gian chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa tiếp tục áp dụng Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 và Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay còn kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cổ phần hóa, trong đó nhiều doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm dù có vị trí đất đai rất thuận lợi vẫn không phải đưa vào giá trị doanh nghiệp.

Intimex đang có quyền sử dụng hàng trăm nghìn m2 đất trên khắp cả nước. Tuy nhiên, khu đất vàng Hồ Gươm được chú ý hơn cả. Đó cũng là khu đất được thuê và trả tiền hàng năm, do vậy theo quy định sẽ không được đưa vào tính giá trị DN. Việc BRG Group chỉ cần bỏ ra 96 tỷ đồng để nắm giữ 34,3% vốn điều lệ Intimex, cùng một con số khác không được biết đến để sở hữu 11,6% CP Intimex trước đó được đánh giá là “rất hời”.

Intimex là một DN chuyên kinh doanh siêu thị, việc một công ty bất động sản như BRG Group để mắt đến Intimex khiến giới đầu tư nghĩ ngay đến lợi thế đất vàng nói trên. 

Thất thoát về đâu?

Ông Đặng Hùng Võ đã nói, không phải DN nào cũng có quyền thuê một mảnh đất vàng. Tương tự như vậy, cũng không phải DN nào cũng may mắn trở thành đối tác chiến lược của một DN đang sở hữu đất vàng.

Để “mua rẻ” một mảnh đất có giá trị kinh tế cao, chi phí bỏ ra của nhà đầu tư chắc chắn không ít như những con số được công bố công khai tại các cuộc đấu giá. Nếu được định giá đầy đủ, toàn bộ số tiền thu được sẽ chảy vào ngân sách nhà nước, là kết quả lạc quan của công tác cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi giá trị đó bị loại ra khỏi công tác cổ phần hóa, số tiền chênh lệch sẽ về tay ai?

Đó là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp chính thống và đầy đủ. Chỉ biết rằng, nếu có quy định chặt chẽ và hợp lý, những thất thoát nói trên sẽ được giảm thiểu. Qua đó giảm tham nhũng, tiêu cực trong công tác cổ phần hóa DNNN.

Cổ phần hóa DNNN là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước khi các DN thuộc sở hữu của Nhà nước được giao cho tư nhân làm, phát huy tối đa hiệu quả cũng như tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, để cổ phần hóa là lời giải tối ưu cho ngân sách, việc hoàn thiện quy định về định giá DN là vô cùng cấp thiết. Những lỗ hổng trong công tác định giá DNNN cần được lấp trước khi ngân sách bị thất thoát quá nhiều.

Chuyên đề