Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày của Báo Đấu thầu tại Hội báo toàn quốc 2019. Ảnh: Lê Tiên |
Thời gian qua, trong các thông điệp gửi đến báo chí và những người làm báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Báo chí phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp”.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Mong muốn báo chí chú trọng mặt tích cực, gương người tốt việc tốt để tạo niềm tin, sự lạc quan trong xã hội, tại Hội báo toàn quốc 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Báo chí cần chú trọng tuyên truyền mặt tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân rộng phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để lan tỏa giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự lạc quan trong xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước".
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4 vừa qua cũng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đồng thời, Quy hoạch nhấn mạnh: “Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”.
Quán triệt việc thực hiện Quy hoạch, Thủ tướng cũng đề nghị báo chí cần đưa nhiều hơn nữa những tấm gương người tốt, việc tốt, nhất là trong ngành giáo dục, để từ đó cổ vũ, khuyến khích những người tốt, lấn át những hành động tiêu cực và lấn át cả những thông tin một số trang mạng xã hội đang cố tình xuyên tạc.
Củng cố niềm tin trong nhân dân
Tại Hội báo toàn quốc năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí, coi báo chí là phương tiện thông tin chủ yếu, diễn đàn rộng lớn của nhân dân.
Những năm gần đây, trước sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, tin giả, tin sai sự thật đã và đang có xu hướng phát tán rất nhanh.
Thế giới hiện có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet, hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Rất nhiều người trong số này đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan truyền thông tin, vô hình trung trở thành những “đối thủ” cạnh tranh một cách không công bằng với báo chí chính thống hay chính báo chí chính thống bị đặt vào thế phải “cạnh tranh” với công chúng truyền thống của họ. Thông tin thật và thông tin giả cùng tồn tại song hành trên nhiều nền tảng truyền dẫn đã và đang làm suy giảm niềm tin đối với báo chí chính thống.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số. Số liệu thống kê đến cuối năm 2018 cho thấy, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Trong khi đó, số liệu mới đây của một công ty sở hữu mạng xã hội cho biết, số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội này hiện lên tới hơn 40 triệu tài khoản. Còn số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Tin giả không chỉ khiến người đọc hoang mang mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, nhất là khi các thế lực thù địch cố tình thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang trực tiếp ảnh hưởng tới “môi trường sinh thái” của truyền thông đại chúng, khiến cho “bữa tiệc” thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, báo chí đang phải đối mặt với sự tác động to lớn của truyền thông xã hội, đặt ra không ít thách thức cho nhà báo trước vấn nạn tin giả. “Vấn nạn tin giả trên mạng xã hội hiện nay đang hoành hành khắp nơi, tác động rất lớn đến tâm lý chung của công chúng khiến các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh hơn nhiều lần chính là mạng xã hội” - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Việt Nam hiện có gần 1.000 cơ quan báo chí, khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 19.000 nhà báo. Trong bối cảnh thông tin bùng nổ với vấn nạn tin giả tràn lan, báo chí chính thống buộc phải có sự “chuyển mình”, không chỉ thực hiện vai trò cung cấp thông tin mà còn kiểm chứng thông tin nhằm thực hiện sứ mệnh mang đến cho công chúng những thông tin chân thực, nhân văn. Bên cạnh “cuộc chiến” chống tin giả, báo chí chính thống cũng liên tục phải đổi mới sáng tạo nhằm ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin của công chúng, tập trung vào các nội dung video và nền tảng YouTube, các loại hình truyền thông đa phương tiện mới…
Trong cuộc chạy đua thông tin với mạng xã hội, báo chí không thể thắng được về tốc độ, nhưng báo chí chính thống đang có nhiều lợi thế và có thể thắng bởi nội dung chuẩn mực, tính chính xác, khả năng phản biện lại các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Các nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt các nguồn tin giả, phản bác lại những thông tin bị bóp méo sự thật, gia tăng thông tin “sạch”, mang lại niềm tin cho công chúng.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và củng cố niềm tin trong nhân dân là một trong những nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách đòi hỏi mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải vào cuộc quyết liệt, đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân. Và trong thông điệp của người đứng đầu Chính phủ cũng như trong hoạt động điều hành của Chính phủ, vấn đề lan tỏa giá trị tốt đẹp và củng cố niềm tin trong nhân nhân đã được cụ thể hóa thành hành động.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, cùng các cơ quan quản lý báo chí tích cực chỉ đạo thông tin tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt, niềm tự hào dân tộc, giá trị truyền thống, đạo lý, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nâng cao dân trí, khơi gợi niềm tin, khuyến khích lao động; đồng thời đấu tranh, phản bác những thông tin độc hại, ngăn chặn lan truyền thông tin mang tính bạo lực, lối sống lệch lạc, thiếu văn hóa...