Lận đận Dự án BOT cầu Châu Đốc

(BĐT) - Sau 3 năm được chỉ định làm nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức BOT (gọi tắt là Dự án BOT cầu Châu Đốc), 3 nhà đầu tư đã không thể tìm được tiếng nói chung với Bộ Giao thông vận tải về các phương án tài chính cho Dự án. Dự án được bàn giao lại cho tỉnh An Giang với bộn bề nỗi lo, đặc biệt là kinh phí để triển khai từ đầu.
Tỉnh An Giang thể hiện quyết tâm thực hiện Dự án Xây dựng cầu Châu Đốc nhằm thay thế phà Châu Giang. Ảnh: Giang Đông
Tỉnh An Giang thể hiện quyết tâm thực hiện Dự án Xây dựng cầu Châu Đốc nhằm thay thế phà Châu Giang. Ảnh: Giang Đông

Thương thảo 3 năm… bất thành

Tháng 3/2020, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức BOT. Lý do là “không thành công trong quá trình thương thảo ký Hợp đồng BOT”. Dự án có tổng vốn đầu tư là 820,981 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, qua nhiều lần đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT với Nhà đầu tư trúng thầu, các bên không thống nhất được phương án đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu đã đề xuất dừng đàm phán hợp đồng.

Được biết, Dự án được khởi động từ năm 2015,  nhằm thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1 kết nối thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trải qua quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tháng 6/2017, Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 (Liên danh Phát triển xây dựng 168 - Phát Đạt - Phát triển hạ tầng 620) được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư. Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Theo Ban QLDA 7, thời gian xây dựng Dự án là 18 tháng (dự kiến khởi công Quý IV/2017); thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 20 năm 3 tháng. Theo cam kết, Dự án hoàn thành vào năm 2018.  Tuy nhiên, kể từ khi công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư đến nay, gần 3 năm, Dự án vẫn án binh bất động.

Theo Bộ GTVT, Nhà đầu tư trúng thầu cho biết, chi phí lãi vay của Dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo dẫn đến Dự án mất khả năng thu hồi vốn, không đủ cơ sở để ngân hàng thương mại cho vay đầu tư. Trong quá trình đàm phán, Nhà đầu tư trúng thầu đề nghị nếu được Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng thì Dự án khả thi về tài chính. Việc đề xuất của Nhà đầu tư trúng thầu là không khả thi vào giai đoạn này do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được phân bổ vốn và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ. 

Có may mắn như Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

Mới đây, UBND tỉnh An Giang có công văn đề nghị Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao Dự án về tỉnh An Giang để quản lý và thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tỉnh An Giang thể hiện quyết tâm thực hiện dự án này bởi, việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc có ý nghĩa hết sức quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh An Giang. UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh Dự án, trong đó bao gồm điều chỉnh phương án tài chính theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Dự án BOT cầu Châu Đốc có khởi điểm đầy khó khăn như Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước đây. Theo đó, cả hai đều bị Bộ GTVT “buông” và địa phương tiếp nhận làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ít ra, sau khi bàn giao cho tỉnh Tiền Giang, Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã tái cơ cấu các nhà đầu tư một cách ngoạn mục với sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả. Đến nay, dự án này đang băng băng về đích. Còn với Dự án BOT cầu Châu Đốc, chính quyền tỉnh An Giang sẽ phải cân nhắc nhiều phương án tài chính khả thi hơn để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư.

Trường hợp xấu nhất theo tính toán của Bộ GTVT là các phương án của UBND tỉnh An Giang đề xuất đối với Dự án BOT cầu Châu Đốc không được chấp thuận, Bộ GTVT kiến nghị cho phép dừng triển khai Dự án. “Việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn hợp pháp khác sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp theo quy định pháp luật”, Bộ GTVT cho biết.

Chuyên đề