Làm rõ việc phân bổ vốn đầu tư năm 2015

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa làm rõ một số thông tin nêu tại Báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 liên quan đến dự toán chi đầu tư phát triển. 
Hiệu quả đầu tư công chắc chắn sẽ có chuyển biến mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Hiệu quả đầu tư công chắc chắn sẽ có chuyển biến mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu khẳng định, Bộ đã thực hiện đúng các quy định liên quan đến phân bổ vốn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các bộ, địa phương trực tiếp phân bổ vốn cho dự án cụ thể 

Làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT liên quan đến việc phân bổ vốn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, theo quy định về việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Bộ KH&ĐT sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, có trách nhiệm thông báo cho các bộ, địa phương hạn mức vốn ngân sách trung ương (NSTW) dự kiến bố trí đầu tư cho các bộ, hỗ trợ cho ngân sách địa phương (NSĐP) và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án trong năm kế hoạch. Trên cơ sở mức vốn được thông báo và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phân bổ mức vốn đầu tư cho từng dự án cụ thể và gửi báo cáo về Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát lại phương án phân bổ vốn cho các dự án cụ thể của các bộ và các tỉnh, thành phố, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đối với dự án đủ điều kiện giao. “Bộ KH&ĐT chỉ thông báo tổng mức vốn cho mỗi bộ, địa phương, không thực hiện việc phân bổ vốn cho dự án cụ thể”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bố trí 575,4 tỷ đồng cho 18 dự án, Bộ KH&ĐT khẳng định là có cơ sở. Đây là các dự án do UBND các tỉnh, thành phố đề nghị bằng văn bản. Trong văn bản đề nghị, các địa phương đều khẳng định các dự án này là rất quan trọng, cấp bách, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các địa phương không có khả năng cân đối được vốn đầu tư, đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ. Căn cứ đề nghị của các địa phương, Bộ KH&ĐT rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại 2 Tờ trình và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao trong kế hoạch năm 2015 tại Quyết định số 2375/QĐ-TTg ngày 28/12/2014. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án này. “Đây đều là những dự án cấp bách, ở những vùng khó khăn”, Thứ trưởng Đào Quang Thu làm rõ hơn. 

Về việc không bố trí đủ vốn cho 14 dự án hoàn thành trước 31/12/2014 và 39 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, theo báo cáo giải trình của các bộ, địa phương, các bộ, địa phương chưa cần bố trí đủ vốn cho các dự án theo tổng mức đầu tư được duyệt trong kế hoạch năm 2015 là do trong quá trình triển khai thực hiện, các dự án này đã tiết kiệm thông qua công tác đấu thầu, qua điều chỉnh biện pháp thi công…; một số dự án địa phương cam kết bố trí bằng các nguồn lực hợp pháp khác, hoặc thực hiện dự án đến điểm dừng kỹ thuật. Bộ KH&ĐT cho rằng đề xuất của các địa phương là hợp lý trong bối cảnh NSNN khó khăn.

Về việc phê duyệt cơ cấu nguồn vốn NSTW trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định 1.004,9 tỷ đồng đối với 13 dự án, theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, cơ cấu và mức vốn NSTW trong tổng mức đầu tư của các dự án này do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt tại các quyết định đầu tư của từng dự án. Mức vốn NSTW hỗ trợ bố trí cho từng dự án căn cứ vào các quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong kế hoạch năm 2015, mức vốn NSTW hỗ trợ cho 13 dự án này tuân thủ đúng quy định tại Quyết định này.

Đối với 12 dự án khởi công mới mà Kiểm toán Nhà nước cho rằng không đảm bảo các điều kiện như chưa tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu, Bộ KH&ĐT cho biết, tại Quyết định giao chi tiết kế hoạch năm 2015 đã thông báo số vốn NSTW hỗ trợ cho từng dự án, tuy nhiên, ngoài nguồn vốn NSTW hỗ trợ, các địa phương còn dự kiến bố trí vốn ngân sách địa phương để đảm bảo đúng tỷ lệ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới này. 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến giao vốn chậm

Về tiến độ giao chi tiết kế hoạch vốn chậm, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, kế hoạch năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công nên mặc dù Bộ đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, địa phương thực hiện tổng hợp giao kế hoạch nhưng quá trình rà soát, tổng hợp phương án vẫn còn lúng túng ở nhiều bộ, địa phương, phải điều chỉnh nhiều lần; đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư nên phải thực hiện rà soát, giao kế hoạch làm nhiều lần để tránh các sai sót.

Thực tế trong thời gian qua Bộ KH&ĐT với vai trò tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các bộ, địa phương cũng rơi vào thế khó. Quá trình hoàn thiện phương án giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho thấy Chính phủ, Bộ KH&ĐT dù rất quyết liệt, nhưng còn nhiều yếu tố tác động. Một số bộ, địa phương lúng túng trong việc điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết; một số chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn. Chính phủ đã phải có “biện pháp mạnh” bằng chỉ đạo đến hết thời gian quy định, nếu tiếp tục bố trí vốn không đúng quy định, sẽ cắt giảm kế hoạch để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn nhiều địa phương tiếp tục chậm trễ gửi phương án phân bổ chi tiết hoặc phân bổ chưa đúng quy định. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phải ban hành Công điện 226/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu Bộ KH&ĐT công bố công khai danh sách và danh mục dự án bố trí vốn không đúng quy định của từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời đưa ra hạn chót phải hoàn chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí quy định, nếu không phân bổ đúng sẽ cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư NSTW.

Theo nhiều ý kiến, những quy định chặt chẽ hơn trong phân bổ vốn theo tinh thần Luật Đầu tư công tuy có những khó khăn ban đầu khi thực hiện, nhưng thực tế đã cho thấy những hiệu quả rõ nét buộc các bộ, địa phương không thể “vung tay quá trán” trong sử dụng vốn đầu tư công. Không ít địa phương quen với nếp cũ đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ KH&ĐT xin được nới lỏng các điều kiện. Thế nhưng, quan điểm của Bộ KH&ĐT là thực hiện đúng quy định, đảm bảo ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu đầu tiên.

Hiệu quả nhìn thấy rất rõ là tình trạng nợ đọng XDCB giảm mạnh. Đến hết kế hoạch năm 2016, nợ đọng XDCB vốn NSTW và vốn trái phiếu chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Số dự án hoàn thành giai đoạn 2011 - 2015 tăng nhanh (hoàn thành khoảng 10.200 dự án sử dụng vốn NSTW và 2.000 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ); số lượng dự án khởi công mới bằng vốn NSTW chỉ khoảng 4.250 dự án, giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Chuyên đề