Làm gì để thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại?

(BĐT) - Phía sau sự sống còn của các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) là sinh kế của hàng ngàn nhân viên cũng như nhiều ngành nghề liên quan. Thị trường BĐS vừa là chim báo bão, vừa là chim én báo tin vui cho nền kinh tế. Vì vậy, câu hỏi: làm gì để thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại, vẫn luôn luôn nóng hổi.
Thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn và ngày một suy yếu do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn và ngày một suy yếu do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn ngày càng khắc nghiệt

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 415.000 DN, trong đó có gần 15.000 DN BĐS. Trong số gần 9.000 DN lớn của Thành phố, thì có đến hơn 30% là DN BĐS. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số DN nhưng DN BĐS chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của Thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của Thành phố, nhưng lĩnh vực BĐS ngày càng gặp nhiều khó khăn. Minh chứng là, cả năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm 2018; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới; chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án.

Tại buổi làm việc với các DN BĐS vào hạ tuần tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Lại thêm nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

Nhiều DN thành viên của HoREA, trong đó có không ít chủ đầu tư lớn đều có chung nhận định, thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm Covid-19 nên chẳng khác nào đang trong cơn “bạo bệnh”. Nếu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính, thì sẽ giúp cho thị trường BĐS sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, bằng không nhiều DN trong số đó phải đi đến “cáo chung”. 

Tháo gỡ từ đâu?

Từ năm 2017 đến nay, TP.HCM có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công thuộc diện rà soát. Lãnh đạo Thành phố và các cơ quan trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn “án binh bất động”.
Theo thống kê của HoREA, từ năm 2017 đến nay, TP.HCM có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công thuộc diện rà soát. Lãnh đạo Thành phố và các cơ quan trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn “án binh bất động”. Vì vậy, các DN BĐS kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP.HCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện nói trên. Khi những dự án được tiếp tục triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ giảm bớt khó khăn cho DN, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường BĐS.

Lâu nay, điều các DN BĐS phàn nàn nhiều nhất vẫn là quy trình giải quyết hồ sơ dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Một chủ đầu tư BĐS cho biết, một dự án hoàn thành thủ tục pháp lý nhanh thì mất vài ba năm, chậm thì mất bảy đến mười năm, thậm chí còn lâu hơn. Chính do thủ tục nhiêu khê nên nhiều DN đành “đứt gánh giữa đường”. Nếu tới đây Thủ tướng Chính phủ chấp nhận lời khẩn cầu của DN BĐS là đồng ý xem xét, chấp thuận thực hiện quy trình hành chính gồm 5 bước: Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp Giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì may ra viễn cảnh tươi sáng mới được mở ra.

Từ ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực (20/10/2015) cho đến nay, TP.HCM có 126 dự án nhà ở bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng do có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp… mà nguyên nhân là do sự thiếu thống nhất giữa các khái niệm “đất” và “đất ở”. Để giải quyết căn cơ, theo các chuyên gia BĐS, cần sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở, như sau: “Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc “đất ở và các loại đất khác”) phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”. Điều chỉnh như vậy để phù hợp với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhiều DN cho rằng, đã đến lúc cần có sự thay đổi thực chất trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Cụ thể, các bộ, ngành cần sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội ngay trong năm 2020 và những năm sắp đến. Cũng cần nói thêm, trong giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng năm 2013, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã hỗ trợ cho thị trường BĐS hồi phục, phát triển trở lại và giúp cho hơn 56.000 hộ gia đình có nhà ở, trong đó, có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội, nhưng gói tín dụng ưu đãi này đã kết thúc từ năm 2016.

“Khi thị trường BĐS hồi phục, nó không còn là những con chim báo bão mà là những con chim én báo hiệu mùa xuân về, sẽ kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế và có tính lan tỏa rất lớn. Vì vậy, việc tập trung tháo gỡ khó khăn để thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại là rất cần thiết và cấp bách”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư