Làm gì để phát triển các DN tư nhân lớn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có cần thiết hay không chính sách dành cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân hàng đầu và nếu có thì chính sách như thế nào để có được những DN vươn tầm thế giới và dẫn dắt khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh…? Những câu hỏi này một lần nữa được đặt ra tại Hội thảo đánh giá 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stuftung Vietnam (KAS) tổ chức.
Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản. Ảnh: Nhã Chi
Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản. Ảnh: Nhã Chi

Theo NCIF, các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của DN lớn. Những DN này giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành công nghiệp. Trong nhiều trường hợp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN lớn định hình thị trường, cấu trúc ngành và hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, giúp các DN nhỏ tiếp cận chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc NCIF, DN tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Đáng chú ý, nhóm VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số DN nhưng đã tạo ra việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần. Tuy nhiên, khối DN tư nhân lớn chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều DN đạt tầm cỡ thế giới; các thương hiệu Việt vẫn có giá trị thấp hơn thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Từ kết quả nghiên cứu đối với VPE500, NCIF chỉ ra năng suất và tốc độ tăng năng suất - các chỉ số cho thấy năng lực cạnh tranh dài hạn của khối DN tư nhân lớn tại Việt Nam chưa cao nếu so với tốc độ tăng quy mô. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2019, quy mô của VPE500 tăng nhanh hơn các nhóm DN khác. VPE500 có tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4% một năm so với khu vực DN tư nhân trong nước nói chung là 5,6% một năm; doanh thu tăng 11,7% một năm so với 6,6% một năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3% một năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% một năm của DN tư nhân trong nước khác và thấp hơn so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.

Kết quả tính toán cũng cho thấy đóng góp lớn và vai trò dẫn dắt của nhóm VPE500 tới khối DN tư nhân trong nước nói chung, tuy nhiên liên kết giữa nhóm này với các DN nhỏ còn hạn chế…

Nhóm nghiên cứu của NCIF cho rằng, cần làm rõ vai trò của DN tư nhân lớn trong chiến lược phát triển DN của quốc gia và có chính sách phù hợp. Trong đó, NCIF khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý về môi trường kinh doanh đối với các DN đang hoạt động, đặc biệt là các chính sách nhằm giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh và đạt được lợi thế về quy mô. Bên cạnh đó, trong tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, cần đặc biệt chú trọng tới các DN tư nhân trong nước lớn. Đây là nhóm DN có năng lực và nhiều tiềm năng cả trên góc độ chuyển giao công nghệ cũng như tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI. Ngoài ra cần thiết xây dựng chính sách riêng cho các DN lớn có khả năng chấp nhận rủi ro, dẫn dắt thị trường và đầu tư cho nghiên cứu công nghệ mới. Với các DN này, cần có quy định liên kết với DN nhỏ và vừa trong cùng ngành và khác ngành, dẫn dắt DN nhỏ hơn cùng phát triển…

Liên quan đến vấn đề chính sách cho DN lớn, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong một nền kinh tế, mỗi khu vực DN có vai trò riêng. Vì thế, phải có chính sách cho nhóm DN lớn, làm sao để DN lớn phát triển mạnh hơn, nhưng không chèn ép mà phải kéo theo DN nhỏ lớn lên. Các DN tư nhân lớn có tiềm năng trở thành DN cấp 1 của DN FDI, DN nhỏ sẽ là những DN cấp 2, cấp 3.

Tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cũng cho rằng, DN lớn và DN nhỏ có khó khăn khác nhau, cần chính sách khác nhau để hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất của DN nhỏ là tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai. Kinh nghiệm của một số quốc gia đó là hỗ trợ của Nhà nước cho DN nhỏ có thể bắt đầu bằng việc hỗ trợ các DN lớn hình thành các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái liên kết DN nhỏ. Việt Nam có thể học hỏi để DN lớn hình thành chuỗi cung ứng, tuy nhiên năng lực của DN nhỏ cũng phải phát triển để không ảnh hưởng đến năng suất của DN lớn.

Cũng đánh giá cao vai trò của tăng năng suất, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong DN còn ít và cuộc chơi dài hạn phải ĐMST, “DN lớn không đầu tư nhiều cho ĐMST, không chịu ĐMST thì đừng đòi hỏi cơ chế gì hết. Đất chỉ có thế, phải thâm canh hơn”, ông Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Chuyên đề