Nhiều khả năng sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu. Ảnh: Lê Tiên |
Tín hiệu tích cực nhưng chưa bền
Số liệu báo cáo Bộ Công Thương vừa công bố trong tháng 2/2016 hoàn toàn trùng khớp với số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt mức thặng dư 100 triệu USD, đưa cán cân thương mại từ đầu năm đến nay bước sang trạng thái xuất siêu với mức 865 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, xét về lý thuyết thì đó là một chỉ dấu rất đáng mừng bởi nó thể hiện sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cao hơn kim ngạch nhập khẩu và cán cân thương mại có số thặng dư. Điều này cho thấy, hàng hóa do Việt Nam sản xuất đang tiến vào thị trường quốc tế, tiếp tục tạo dựng hình ảnh, uy tín và sức mạnh của mình; cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp (DN) giữ vững được sản xuất, người lao động có việc làm và thu nhập. Từ đó, an sinh xã hội cũng được bảo đảm, giữ vững.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tình hình này chưa phải là một dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực bền vững của hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, do đó hoàn toàn không thể chủ quan. Trước hết, 2 tháng qua là khoảng thời gian chuẩn bị bước vào Tết và nghỉ Tết, kéo theo sự trầm lắng, giảm tốc của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh, tức là giảm nguồn cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho xã hội. Điều này lý giải vì sao nhu cầu và kết quả nhập khẩu các loại nguyên liệu, vật tư phục vụ nhiều ngành quan trọng như dệt may, da giày, linh kiện - phụ tùng… giảm hẳn so với các tháng trước.
Đồng tình với nhận định này, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, không thể chủ quan với sự đảo chiều này và vội mừng sớm bởi xuất siêu diễn ra chủ yếu là do nhập khẩu giảm chứ không hẳn do xuất khẩu tăng cao, vì thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức tăng rất thấp so với yêu cầu tăng trung bình 10% theo chỉ tiêu năm nay. Trạng thái xuất siêu xảy ra chủ yếu là do nhập khẩu co lại, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Điều gì khiến nhập siêu sẽ quay lại?
Phân tích sâu hơn sẽ thấy, nếu tình trạng nhập khẩu nhiều loại nguyên, vật liệu tiếp tục giảm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất; nhất là đối với các ngành sản xuất để xuất khẩu thành phẩm. Theo Bộ Công Thương, mức độ xuất siêu đã giảm dần từ tháng 1 sang tháng 2 cho thấy nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo số liệu công bố của Bộ này, nếu như tháng 1/2016 xuất siêu đạt mức 765 triệu USD, nhưng đến tháng 2 mức xuất siêu chỉ còn 100 triệu USD. Do đó, có thể nhìn thấy nhiều khả năng xu hướng xuất siêu sẽ nhanh chóng chấm dứt và tình trạng nhập siêu tiếp tục quay trở lại mạnh hơn bởi phần lớn các DN đang trên đà hồi phục.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là liệu xuất siêu có tiếp diễn hay không đang là câu chuyện khó dự báo bởi nó tùy thuộc nhiều vào diễn biến của các yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng đến quan hệ xuất - nhập khẩu.
Theo ông Mạc Quốc Anh, khi sản xuất phục hồi và đi vào ổn định, nhất là khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam với tốc độ nhanh hơn thì nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để hình thành dây chuyền sản xuất cũng như nguyên vật liệu đầu vào của các dự án mới được cấp phép sẽ tăng cao. Đó sẽ là thực tế thúc đẩy nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ, cấp tập hơn và có thể giá trị nhập khẩu sẽ tăng cao hơn xuất khẩu. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi về cán cân xuất nhập khẩu và có nghĩa là nhập siêu có thể quay trở lại, thay vì xuất siêu như hiện tại.
Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sau tháng Tết, các DN đang đồng loạt trở lại sản xuất và vì nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công, lắp ráp sẽ tăng. Cùng với đó, làn sóng đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu cũng làm cho mức nhập khẩu từng bước tăng dần và rất có khả năng xảy ra đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu ngay trong tháng tới.
Cùng quan điểm này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quan ngại về khả năng quay trở lại của tình trạng nhập siêu. Theo phân tích của ông Sinh, tăng trưởng xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm dần, năm 2015 chỉ tăng 8,1% sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số. Điều này là do thị trường thế giới vẫn đang có nhiều bất ổn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước lại tăng mạnh kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng lên.
Mặt khác, có thể nhìn thẫy rõ thực trạng phụ thuộc quá lớn của nền sản xuất trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, theo cảnh báo của các chuyên gia, xét về lâu dài, để có thể kiềm chế và tiến tới giảm nhập siêu một cách hữu hiệu thì chỉ có cách chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất để thay thế các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu.