Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Ảnh: Tiên Giang |
Hỗ trợ DN vượt qua khó khăn
Số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là trong giai đoạn 2005 - 2013, chỉ có 45% DN thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động sau khi đăng ký. Cá biệt, có những năm tỷ lệ giữa DN đi vào hoạt động so với DN đăng ký rất thấp, chẳng hạn như năm 2009 là 35,2% hoặc năm 2012 chỉ đạt 32,7%. Do vậy, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc nuôi dưỡng, phát triển các DN sau khi khai sinh trở thành một yêu cầu cấp thiết tại Việt Nam.
Trước thềm Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, tại Hội thảo Báo chí về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, đại diện Cục Phát triển DN cho biết, chiếm hơn 97% tổng số DN, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP, nhưng DNNVV vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường. Luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, của quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khối DNNVV. Đồng thời, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án Luật đối với việc hỗ trợ DNNVV Việt Nam phát triển, bà Gloria Steele, Phó Tổng giám đốc phụ trách châu Á của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh, việc xây dựng Luật là một hành động thiết thực giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài không ngần ngại: “Hỗ trợ khối DN, được coi là động lực phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển, được cụ thể hóa trong Dự án Luật là một ý tưởng rất tốt, đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn để giúp Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Gia tăng cơ hội cho DNNVV
Liên quan đến hỗ trợ DNNVV trong hoạt động mua sắm công, Dự thảo Luật quy định: “Gói thầu xây lắp không quá 05 tỷ đồng và mua sắm hàng hoá, dịch vụ không quá 03 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng NSNN để mua sắm công chỉ dành cho nhà thầu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với nhà thầu chính trong trường hợp nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ là DNNVV”. Thứ trưởng Đông cho rằng, quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy hình thành liên kết kinh doanh và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đánh giá cao quy định này, ông Nguyễn Văn Toàn bình luận, trên thực tế gần như các DNNVV không được tham gia trực tiếp vào các dự án mua sắm công, mà chỉ là những nhà thầu phụ, thậm chí là thầu phụ của thầu phụ… “Cơ hội thắng thầu của các DNNVV đang được mở ra”, ông Toàn nhìn nhận.
Thứ trưởng Đông cũng thông tin: “Thống kê của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng không rơi vào các DNNVV mà rơi vào các DN lớn. Vì thế, nếu chúng ta có thái độ đúng đắn với các DNNVV thì sẽ hỗ trợ khối DN này trở thành động lực phát triển kinh tế”. “Nếu Dự án Luật được Quốc hội thông qua thì chắc chắn bức tranh về DNNVV Việt Nam sẽ thay đổi”, Thứ trưởng Đông tin tưởng.