Đối với dự án BT thanh toán bằng quỹ đất, phải có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán. Ảnh: Lê Tiên |
Chú trọng dự án BT
Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 63/2018/NĐ-CP diễn ra ngày 8/6/2018 tại TP.HCM, ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong PPP, dự án BT được điều chỉnh bởi nhiều quy định như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định về PPP. Vì vậy, việc quy định một chương riêng (Chương V) cho dự án BT trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP không ngoài mục đích quản lý chặt chẽ hơn đối với dự án BT.
Về quy trình, các dự án BT phải được đấu thầu trên cơ sở dự toán, thiết kế được duyệt. Đặc biệt, phương thức thanh toán sẽ rộng hơn, bao gồm sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng; quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ. Đáng lưu ý, nguyên tắc thanh toán là phải xác định trước nguồn lực thanh toán. Đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất, phải có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán.
Ngoài ra, ở dự án BT, trường hợp điều chỉnh quy hoạch thì phải điều chỉnh giá đất, bảo đảm hài hòa, không thất thoát ngân sách. Hợp đồng dự án phải có phương án xử lý khi thay đổi quy hoạch. Riêng dự án khác (dự án đối ứng của dự án BT được giao cho nhà đầu tư để thực hiện việc đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật), nhà đầu tư dự án BT không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương theo Luật Đầu tư, không phải ký quỹ.
Ông Trần Việt Dũng cho biết thêm, trong định hướng nội dung Thông tư hướng dẫn Nghị định 63/2018/NĐ-CP tới đây, sẽ điều chỉnh hướng dẫn tính phương án tài chính của dự án BT tại Thông tư 02 trước đây. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện Thông tư 02, nhiều địa phương phản ánh việc yêu cầu tính toán phương án tài chính - tức xác định các chỉ tiêu tài chính như NPV, IRR - không phù hợp.
Quy định chặt chẽ về chuyển nhượng dự án
Một điều được các đại biểu tham dự Hội nghị khá đồng thuận, đó là Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ về chuyển nhượng dự án. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng, hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng là cần thiết.
Điểm mới khác của Nghị định là lĩnh vực đầu tư PPP đã được mở rộng hơn, gồm: Giao thông vận tải; điện; đô thị, công viên, nhà, sân bãi để xe ô tô, xe, máy móc, thiết bị; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ, nhà xã hội; công trình kết cấu hạ tầng xã hội; công trình kết cấu hạ tầng thương mại, hạ tầng đô thị, khu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nông nghiệp; lĩnh vực khác.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, PPP là định hướng đúng đắn nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ công. Sự ra đời của Nghị định 63/2018/NĐ-CP là rất kịp thời, trong bối cảnh việc thực hiện dự án PPP theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP bộc lộ một số hạn chế, khiến các dự án được triển khai trong thời gian qua không hiệu quả và chưa hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, những thay đổi trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP chắc chắn sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các dự án khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Không chỉ xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong Nghị định 15/2015/NĐ-CP, việc Chính phủ ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP còn là một bước đệm để tạo ra những đột phá mới đối với lĩnh vực PPP.
Theo ông Trần Việt Dũng, Nghị định 63/2018/NĐ-CP có 11 điểm mới như sau:
1. Bổ sung lĩnh vực đầu tư
2. Quy định bổ sung trình tự phù hợp hơn với dự án công nghệ cao
3. Bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP
4. Bổ sung quy trình quyết định chủ trương đầu tư
5. Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
6. Quy định chặt chẽ hơn đối với dự án BT
7. Bổ sung việc thực hiện dự án PPP của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
8. Yêu cầu công khai thông tin hợp đồng dự án PPP
9. Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư
10. Thời điểm chuyển nhượng hợp đồng dự án
11. Vấn đề khác: Lấy ý kiến cộng đồng về tác động dự án; dự án nhóm C không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư; hình thành nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư; áp dụng hợp đồng hỗn hợp...