Ảnh Internet |
Còn hơn 31 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công đã thực hiện chưa giải ngân
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 diễn ra ngày 3/6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, giải ngân 5 tháng đầu năm 2021 có chuyển biến nhưng còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,972%.
Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT, mặc dù kế hoạch vốn NSNN năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhưng đến hết tháng 5/2021 vẫn còn 15,6% vốn kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là chờ Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp một phần do xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, còn do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư cần đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc. Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương thì tỷ lệ giải ngân thực tế 5 tháng năm 2021 đạt 26,4%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư nguồn NSNN 5 tháng đầu năm 2021 đạt 133.400 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 22,8% và tăng 16,2%). Theo đó, còn khoảng 31.370,76 tỷ đồng giá trị khối lượng đã thực hiện chưa làm thủ tục hoặc đang làm thủ tục giải ngân.
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn nếu chậm giải ngân
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN, Bộ KH&ĐT kiến nghị cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo hướng tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Triển khai đồng bộ, quyết liệt, đầy đủ và hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ các dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt có nhu cầu bổ sung vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công. Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi về ngân sách trung ương số vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết 71.748,884 tỷ đồng do đặc thù của kế hoạch năm 2021 triển khai trong bối cảnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Quốc hội quyết định. Yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động chuẩn bị các thủ tục đầu tư cần thiết của các chương trình, dự án, nhiệm vụ để triển khai giao chi tiết ngay cho các dự án trong thời gian 7 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chấp thuận cho phép bố trí vốn cho các dự án đã bố trí quá thời gian quy định.