Thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Theo những số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh còn tác động mạnh, nhưng tổng vốn FDI đăng ký vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020, số vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh đều tăng.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá, thu hút FDI còn nhiều khó khăn, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ chưa có hiệu quả trong ngắn hạn. Thu hút FDI 5 tháng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh (số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 49,4% so với cùng kỳ năm 2020, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm 21,6%, lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) giảm 59,7%). Tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà ĐTNN có dấu hiệu giảm sút. Mức vốn FDI thu hút được là không cao, tốc độ tăng trưởng dương chủ yếu do mặt bằng thu hút vốn FDI năm 2020 ở mức rất thấp.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT cho biết, nguồn vốn FDI toàn cầu có xu hướng hồi phục tốt, chỉ số FDI toàn cầu tháng 3 đạt mức 855 điểm (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2020), là mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Vì thế, Việt Nam cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã rất thành công trong chống dịch năm 2020, tạo ra lợi thế để thu hút FDI đạt kết quả tích cực, dù nguồn vốn FDI toàn cầu trong năm qua giảm rất mạnh. Tuy nhiên, năm nay, nếu đi chậm trong xu thế chống dịch bền vững thông qua tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng có thể tạo ra khó khăn trong việc thu hút ĐTNN. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát này tấn công vào nhiều khu công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư đang quan tâm tới Việt Nam.
Ông Toàn cũng đánh giá, số lượng dự án giảm mạnh nhưng tổng mức vốn tăng nhẹ, cho thấy quy mô dự án đã tăng mạnh. Số liệu cho thấy quy mô bình quân của các dự án FDI cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, từ 2,2 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2020 tăng lên 14,4 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2021 và từ 7,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 11,3 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn... Đây là một tín hiệu tích cực, phù hợp với định hướng thu hút FDI quy mô lớn, chú trọng chất lượng hơn số lượng.
Ông Nguyễn Văn Toàn khuyến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng để sớm phục hồi nền kinh tế một cách cơ bản, để không bị lỡ nhịp đón dòng vốn FDI dịch chuyển. Các địa phương, cùng với chống dịch, cần quyết liệt thực hiện các biện pháp bảo đảm sản xuất tối đa trong khu công nghiệp. Những vấn đề khác như quỹ đất, nhân lực, pháp lý tiếp tục cần được chú trọng. Ví dụ việc các địa phương đang rà soát, thu hồi nhiều dự án FDI chậm trễ không thực hiện, giữ đất nhiều năm cũng cần làm nhanh, để có thêm quỹ đất thu hút dự án mới. Ông Toàn cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục thu hút FDI chọn lọc, vào những ngành mũi nhọn theo định hướng tại văn kiện Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 50-NQ/TW.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đánh giá tính cần thiết của việc ban hành sớm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt, để tạo sức hấp dẫn mới, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên họp lần thứ 2 Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, Phó Thủ tướng nêu ra những nhiệm vụ rất cụ thể, cần thiết cho các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI thời gian tới.
Đó là cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để xử lý; khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về các khu công nghiệp có sẵn hạ tầng; rà soát, tổng hợp tình hình quỹ đất sản xuất tại các địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm; xem xét, có giải pháp thỏa đáng xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về thuế nhà thầu để đảm bảo sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng cấp giấy phép khảo sát dự án điện gió ngoài khơi; xem xét khả năng đưa các dự án năng lượng phù hợp vào chương trình làm việc của các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh việc đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn; đơn giản hóa thủ tục xây dựng đối với những công trình thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tiếp tục nắm bắt xu hướng điều chỉnh chính sách đầu tư của các nước, xu thế tái định vị sản xuất và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn lớn để phối hợp với Bộ KH&ĐT tổng hợp, đề xuất các giải pháp tiếp cận và thúc đẩy xúc tiến đầu tư.