Hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là một minh chứng rõ nét cho tinh thần hành động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều sóng gió, vẫn vững tay chèo
Nước ta bước vào thời kỳ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động nhanh, mạnh, phức tạp, nhiều rủi ro; nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt quá khả năng dự báo, ảnh hưởng sâu, rộng, toàn diện, cần thời gian để ứng phó, thích ứng. Đặc biệt là, đại dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột Nga - Ukraine; sự thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; thiên tai, biến đổi khí hậu… đã tác động mạnh đến tăng trưởng, nợ công, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chuỗi cung ứng hàng hóa, hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… trên phạm vi toàn cầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, ảnh hưởng sâu, rộng đến các quốc qua, đặc biệt là các nước đang phát triển, có độ mở lớn về kinh tế, trong đó có Việt Nam. Điều này đã tạo áp lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, nền kinh tế phải chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Cụ thể, lạm phát thế giới tăng mạnh, duy trì ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương của các nước tăng lãi suất nhanh, mạnh để kiềm chế lạm phát. Trong nước, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, chúng ta phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, tích tụ nhiều năm nay, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn, nhất là các hạn chế, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán, thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế có thời điểm đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Trong bối cảnh rất đặc biệt đó, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Năm 2022, GDP tăng 8,02%, là điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế gặp thách thức lớn trước “tác động kép” của tình hình thế giới, trong nước, nhưng GDP vẫn tăng trưởng 5,05%. 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,5 - 6%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, quyết định tương lai của mình, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn. Đây là quan điểm chung từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, lan tỏa xuống các bộ, ngành, địa phương tinh thần quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cho đầu tư phát triển.
Hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là minh chứng rõ nét cho tinh thần hành động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Số km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2021 đến nay đã gần bằng con số làm được trong 10 năm trước. Ngày 18/8/2024, Thủ tướng đã phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Chỉ đạo của Thủ tướng “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm”, tạo động lực, quyết tâm rất lớn để các chủ đầu tư, nhà thầu tăng tốc thi công.
Tăng tốc trong giai đoạn nước rút
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đạt 6,42% trong nửa đầu năm; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định, tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 - 1 điểm phần trăm. Tại Báo cáo Đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương quý I/2024 của Savills, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành tại Savills Việt Nam nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 là rất khả quan và có thể vào TOP 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên mức 6,5% (trước đó là 6%), kỳ vọng nhanh nhất trong ASEAN. Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,3%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những kết quả đạt được đến nay cho chúng ta niềm tin nền kinh tế sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện hơn trong giai đoạn nước rút của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng cho bước vào xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2026 - 2030.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn...
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương tháng 6/2024, Chính phủ đã quyết nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức cận trên là 6,5 - 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% Quốc hội đề ra. Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế. Những tháng cuối năm có áp lực rất cao, phải đạt 7 - 7,5% để đạt cả năm 6,5 - 7%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các tháng cuối năm nền kinh tế cần phục hồi nhanh hơn, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn và khai thác tốt hơn các nguồn lực, động lực tăng trưởng, thời cơ, thuận lợi, xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt khung khổ thể chế, chính sách mới, phát huy mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn mới trong những quy hoạch đã phê duyệt. Trong năm 2025, chúng ta phải xây dựng, kiến tạo các thành tựu mới, đột phá mới trong tăng trưởng và phát triển. Khi thế và lực của nước ta không ngừng được nâng cao, nếu biết chớp thời cơ thì thách thức có thể trở thành động lực cho Việt Nam tiến lên, phát triển và bắt kịp các quốc gia tiên tiến.